Việc phát triển kỹ năng mềm thông qua những môn học độc lập chỉ dạy trong một khoảng thời gian, trong một số học kỳ nhất định; hay tích hợp các yếu tố kỹ năng mềm khi thiết kế các chương trình giảng dạy? Đâu là giải pháp hiệu quả trong việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên? Để đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra cho sinh viên đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai, chương trình đào tạo Kỹ năng mềm được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học, cao đẳng, bắt đầu từ khoảng năm 2010 trở đi.Các kỹ năng chính như giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, quản lý thời gian, ra quyết định, thuyết trình hiệu quả, tư duy sáng tạo…..bắt đầu được người học quan tâm, rèn luyện bên cạnh các kiến thức đào tạo chuyên ngành. Thế nhưng, hiện hoạt động này tại các trường vẫn chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức người học. Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long cho hay, trong thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi con người phải thay đổi để thích nghi với môi trường mới. Muốn đạt được thành công trong cuộc sống, trong sự nghiệp, chúng ta phải hội tụ đủ kỹ năng cứng là kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm.Tuy nhiên, hiện tại sinh viên vẫn còn thờ ơ với việc tự trang bị kỹ năng mềm cho mình. “Trong quá trình học tập, người học được giáo viên lồng ghép một số kỹ năng mềm vào. Giáo viên chỉ lồng ghép ở mức độ giảng dạy, truyền đạt thôi. Còn sinh viên muốn thực hiện tốt các kỹ năng này thì phải tự mình vận động, thực hành. Còn kiến thức giảng viên truyền đạt chỉ là một phần nào đó thôi” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho biết.
Một lớp học kỹ năng mềm miễn phí do Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tổ chức.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại trường, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho hay, trước năm 2016, trường khảo sát thì có đến 85% sinh viên thờ ơ, hiểu sai về việc học và rèn luyện kỹ năng mềm. Người học cho rằng đó chỉ là môn học phụ không cần thiết. Thậm chí, một bộ phận sinh viên xem kỹ năng mềm là thứ gì đó cao siêu và ngại tiếp cận. Từ thực trạng đó, sau hai năm triển khai, 100% sinh viên của Trường đều được học tập và tham gia các hoạt động trải nghiệm kỹ năng mềm. Trường xác định kỹ năng mềm là một môn học trong chương trình, được Trường quy định cụ thể về số tiết, nội dung chương trình và được bố trí trong thời khóa biểu chính khóa. Thạc sĩ Thoa cho biết thêm, dựa vào đặc điểm nghề nghiệp, vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp mà các kỹ năng mềm được lựa chọn giảng dạy chỉ giới hạn ở hai kỹ năng. Đó là kỹ năng giao tiếp và kỹ năng học tập hiệu quả, Nhưng theo Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, trong quá trình đào tạo có rất nhiều khó khăn. Thời gian học của sinh viên cũng phải linh động để tạo điều kiện cho các em, vì các em học nhiều môn trong chương trình đào tạo. Ngoài lý thuyết còn có thực hành, cho nên rất khó để sắp xếp thời gian cho các em học. Thời gian thuận tiện nhất cho sinh viên là các buổi tối, thứ 7 và chủ nhật”