Sáng ngày 08/12/2024, Lễ tổng kết trao Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 26 năm 2024 đã diễn ra tại Hội trường Trần Chí Đáo - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh xuất sắc giành 01 giải Nhì lĩnh vực Hóa học, 01 giải Ba lĩnh vực Công nghệ thực phẩm, 03 giải khuyến khích ở lĩnh vực Công nghệ thực phẩm, 01 giải Khuyến khích ở lĩnh vực Nông nghiệp và 01 giải Poster Khoa học được bình chọn nhiều nhất.
Năm 2024, Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 26 thu hút 152 trường Đại học, Học viện, Cao đẳng trong cả nước tham gia với 1.904 đề tài của 5.991 thí sinh dự thi trong 15 lĩnh vực (Hóa học; Khoa học Y, Dược; Sinh học; Công nghệ thông tin; Công nghệ thực phẩm; Kỹ thuật Công nghệ; Khoa học Nông nghiệp; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học Giáo dục; Hành chính - Pháp lý; Kinh tế; Quy hoạch, Kiến trúc và Xây dựng; Khoa học Xã hội; Văn hóa - Nghệ thuật; Vật lý). Để đánh giá các đề tài của Giải thưởng năm nay, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đến từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Sở ban ngành và các doanh nghiệp đã đồng hành, tham gia Hội đồng khoa học. Hội đồng đã làm việc công tâm, khách quan, thẩm định chuyên môn để chọn ra các đề tài nghiên cứu xuất sắc của Giải thưởng.
Ban tổ chức Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2024 đã trao 15 giải Nhất, 14 giải Nhì, 18 giải Ba và 140 giải Khuyến khích ở 15 lĩnh vực khác nhau cho các tác giả, nhóm tác giả tham gia. Các đề tài tham gia giải thưởng có hàm lượng khoa học cao, tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Nhiều đề tài đã được chuyển giao hoặc có thể chuyển giao áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Toàn cảnh buổi Lễ tổng kết
Tham gia vòng Chung kết với 06 đề tài ở 03 lĩnh vực khác nhau, các sinh viên đến từ khoa Công nghệ thực phẩm, khoa Công nghệ hóa học đã xuất sắc góp phần khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học, chủ động, sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. Xin chúc mừng các sinh viên, giảng viên hướng dẫn đã tỏa sáng trong hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên:
Giải Nhì Euréka lần thứ 26 năm 2024 lĩnh vực Hóa học được trao cho đề tài “Nghiên cứu quy trình chiết xuất hoa kim ngân (Lonicera Japonica Thunb.) và ứng dụng tạo sản phẩm serum dưỡng da hỗ trợ ngăn ngừa mụn” của nhóm sinh viên Đỗ Xuân Dương, Phan Thị Như Bình, Lê Tuấn Dỹ, Nguyễn Lâm Duy; Giảng viên hướng dẫn: ThS. Lê Thúy Nhung - Khoa Công nghệ hóa học.
Kim ngân (Lonicera japonica Thunb.) là dược liệu quý trong Đông y vì chứa nhiều hợp chất sinh học có hoạt tính chống ung thư, chống oxy hóa và kháng khuẩn. Nghiên cứu đã chiết xuất hoa kim ngân (HKN) bằng phương pháp trích ngâm gia nhiệt với hỗ trợ thiết bị chân không PVF, sử dụng dung môi EtOH 50%, tỷ lệ nguyên liệu/dung môi 1/12 (w/v), trong 90 phút ở 60°C và áp suất 550 mmHg, thu được dịch chiết chứa hàm lượng chlorogenic acid cao (716,14 µg/mL), pH 5.6, màu vàng mật ong và mùi đặc trưng. Kết quả kháng khuẩn đạt 99,99%, cho thấy tiềm năng ứng dụng trong mỹ phẩm, đặc biệt là sản phẩm serum dưỡng da ngăn ngừa mụn với tỷ lệ 5%.
Nhóm sinh viên HUIT được vinh danh giải Nhì trong lĩnh vực Hóa học
Giải Ba Euréka lần thứ 26 năm 2024 lĩnh vực Công nghệ thực phẩm được trao cho đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vi sóng kết hợp Enzyme Pullulanase làm giàu hàm lượng tinh bột kháng tiêu hóa trong quy trình sản xuất tinh bột gạo và ứng dụng trong chế biến thực phẩm” của nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thanh Tú, Nguyễn Thuận Phát, Lê Thị Tuyết Nhi, Cao Thị Như Ý, Đỗ Kinh Kha; Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Hoàng Anh - Khoa Công nghệ thực phẩm.
Nghiên cứu nhằm xác định điều kiện tối ưu hóa quá trình thủy phân tinh bột gạo nhằm làm giàu hàm lượng tinh bột kháng tiêu hóa (Resistant Starch-RS). Sản phẩm tinh bột kháng tiêu hóa có thể được sản xuất từ tinh bột gạo Đài Thơm 8 bằng thủy phân cắt mạch nhánh với xúc tác của Enzyme Pullulanase và kết hợp vi sóng. Kết quả nghiên cứu đạt được thông số tối thích của quá trình vi sóng ở công suất 180W với thời gian 25s cùng với các thông số tối ưu quá trình thủy phân ở điều kiện: pH 4,5; nhiệt độ 55⁰C, tỷ lệ cơ chất 9,95% (w/w); thời gian thủy phân 6,18 giờ; hoạt độ enzyme 15,15 U/g. Đồng thời bột gạo được thoái hóa ở điều kiện 4⁰C, trong thời gian 4h thì để làm tăng hàm lượng tinh bột kháng hình thành trong sản phẩm đạt 13,19%. Những kết quả đạt được từ nghiên cứu chứng tỏ hiệu quả việc sử dụng phương pháp vi sóng kết hợp Enzyme Pullulanase đã làm tăng 12,75% hàm lượng tinh bột kháng so với nguyên liệu gạo 5,12%.
Nhóm sinh viên HUIT được vinh danh giải Ba trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm
Các giải Khuyến khích Euréka lần thứ 26 năm 2024:
- Lĩnh vực Công nghệ thực phẩm: Đề tài “Nghiên cứu thu nhận peptide giàu hoạt tính sinh học từ rong Lagarosiphon major” của nhóm sinh viên Hồ Thị Giang, Nguyễn Thị Thu Trang, Lê Tuấn Anh, Giang Nhật Anh; Giảng viên hướng dẫn: ThS. Hoàng Thị Ngọc Nhơn - Khoa Công nghệ thực phẩm.
- Lĩnh vực Công nghệ thực phẩm: Đề tài “Nghiên cứu thu nhận và xác định hoạt tính sinh học của chiết xuất giàu lectin từ rong Chaetomorpha aerea” của nhóm sinh viên Trương Nguyễn Việt Ngân, Phạm Trúc Quỳnh, Cao Thị Trúc Ngân, Nguyễn Quốc Kiệt, Ngô Phương Thảo; Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thị Thảo Minh, ThS. Hoàng Thị Ngọc Nhơn - Khoa Công nghệ thực phẩm.
- Lĩnh vực Công nghệ thực phẩm: Đề tài “Nghiên cứu thu nhận chitin từ vỏ ba khía với sự hỗ trợ của dung môi eutectic sâu tự nhiên” của nhóm sinh viên Võ Thị Diễm Quyên, Phạm Ngọc Trâm, Hồ Như Trúc, Đinh Quốc Tuấn, Mai Tiến Hùng; Giảng viên hướng dẫn: ThS. Trần Chí Hải - Khoa Công nghệ thực phẩm.
- Lĩnh vực Công nghệ thực phẩm: Đề tài “Đánh giá tình hình nhiễm nấm mốc và độc tố nấm mốc trên lúa bảo quản và nghiên cứu màng chứa tinh dầu ứng dụng trong xong trùng lúa/gạo” của nhóm sinh viên Trần Gia Quyên, Mai Lâm Thùy Linh, Nguyễn Thị Thanh Thão, Lương Thị Thúy Nhài, Trần Trí Dụng; Giảng viên hướng dẫn: TS. Phan Thị Kim Liên, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Khoa Công nghệ thực phẩm.
Các nhóm sinh viên đạt giải Khuyến khích lĩnh vực Công nghệ thực phẩm và lĩnh vực Nông nghiệp
Các đề tài của 06 nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là có tính cấp thiết, mang tính ứng dụng cao, đem lại ý nghĩa lớn cả về mặt khoa học cũng như kinh tế - xã hội. Các giải thưởng đạt được trong lần tham dự này sẽ tạo động lực cho các bạn sinh viên ngoài việc học tập trên lớp còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học trong toàn Trường, biến ý tưởng thành các kết quả thực nghiệm và ứng dụng trong đời sống.
Ngoài ra, giải Poster khoa học được bình chọn nhiều nhất của lĩnh vực Công nghệ thực phẩm được trao cho đề tài “Đánh giá tình hình nhiễm nấm mốc và độc tố nấm mốc trên lúa bảo quản và nghiên cứu màng chứa tinh dầu ứng dụng trong xong trùng lúa/gạo” của nhóm sinh viên Trần Gia Quyên, Mai Lâm Thùy Linh, Nguyễn Thị Thanh Thão, Lương Thị Thúy Nhài, Trần Trí Dụng; Giảng viên hướng dẫn: TS. Phan Thị Kim Liên, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Khoa Công nghệ thực phẩm.
Đoàn giảng viên, sinh viên của HUIT tại Lễ tổng kết và trao giải Euréka lần thứ 26 năm 2024
Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka là Giải thưởng uy tín và cao quý được tổ chức thường niên dành cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trên toàn quốc, qua đó phát huy năng lực tư duy sáng tạo, chủ động trong học tập, nghiên cứu của sinh viên, góp phần ứng dụng kiến thức trong nhà trường giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống, đất nước. Xin chúc mừng các bạn sinh viên và giảng viên hướng dẫn đã đạt giải cao trong Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 26. Năm 2024, sinh viên trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tự hào đã tiếp tục khẳng định thế mạnh và thành tích nghiên cứu khoa học truyền thống của thương hiệu HUIT.
Ban biên tập website HUIT
TT TS&TT
Theo Phòng KHCN