Sáng ngày 02/12/2023, tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra vòng bán kết, chung kết và Lễ tổng kết trao giải Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2023 với nhiều giải thưởng được trao cho các thí sinh.
Đến tham dự vòng bán kết, chung kết và Lễ tổng kết trao giải Cuộc thi có đại diện Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Đức Sự - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ; TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS. Đống Thị Anh Đào - Giảng viên khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh; các thầy, cô trong Hội đồng Giám khảo cùng các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, nghiên cứu viên từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố và các tỉnh lân cận.
Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2023 thu hút 57 đội dự thi đến từ các trường Đại học, Cao đẳng với 213 thí sinh tham gia. Cuộc thi tổ chức nhằm giới thiệu và triển lãm các nghiên cứu, sản phẩm về công nghệ chế biến lương thực thực phẩm, công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời đây cũng là cuộc thi có uy tín, là nơi giao lưu, chia sẻ những ý tưởng, sản phẩm thiết kế mang tính sáng tạo, đột phá, tạo tính nổi bật và hiệu ứng cao so với các sản phẩm cùng loại.
Phát biểu khai mạc Cuộc thi, đồng chí Trần Đức Sự - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việt Nam chúng ta có rất nhiều lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp để phát triển ngành chế biến sau thu hoạch. Nếu chọn đây là một hướng đi để đầu tư, đẩy mạnh công nghệ, tạo điều kiện đổi mới sáng tạo thì có thể đạt được những kết quả khả quan”. Ông Trần Đức Sự cũng đưa ra ví dụ về sản phẩm mì tôm thanh long hiện đang viral (nổi bật) trên mạng xã hội, đồng thời đặt kỳ vọng các sản phẩm từ nông sản Việt tham gia cuộc thi năm nay cũng sẽ được biết đến rộng rãi, thương mại hóa và tạo ra giá trị kinh tế như hiện tượng trên. Ông còn chia sẻ thêm, cuộc thi “Công nghệ Chế biến sau thu hoạch” do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ và trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hằng năm là cơ hội cho các bạn sinh viên, thanh niên sáng tạo, nghiên cứu, chế tạo, giới thiệu những ý tưởng từ các sản phẩm thực hiện công nghệ chế biến sau thu hoạch, từ đó nâng cao giá trị nông sản Việt.
Đồng chí Trần Đức Sự - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phát biểu tại phiên khai mạc Cuộc thi
Đại diện Nhà trường, TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ công nghệ chế biến sau thu hoạch là một trong những lĩnh vực đang được quan tâm ở Việt Nam. TS. Thái Doãn Thanh còn cho biết, dù nền nông nghiệp Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nhưng để đáp ứng giá trị chuỗi sản phẩm thực sự chất lượng thì Việt Nam cần có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là về công nghệ nghiên cứu chế biến sau thu hoạch. “Trong phát triển lĩnh vực mũi nhọn của trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà trường rất quan tâm đến các nghiên cứu chuyển giao, nghiên cứu tạo ra sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm từ công nghệ chế biến sau thu hoạch”.
TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chúc mừng tại cuộc thi
Tại vòng Bán kết Cuộc thi, đại diện của 35 đội được vào vòng bán kết đã trình bày báo cáo poster để Ban tổ chức lựa chọn 12 đề tài, giải pháp công nghệ xuất sắc nhất vào vòng chung kết báo cáo trực tiếp tại 2 Hội đồng: Bảng A “Các đề tài, giải pháp công nghệ trong chế biến”; Bảng B “Các đề tài, giải pháp công nghệ trong bảo quản”. Nhiều đề tài, giải pháp, sản phẩm đã nhận được sự đánh giá cao từ phía Ban Giám khảo về tính thời sự, tính mới trong nghiên cứu.
Tác giả, nhóm tác giả báo cáo poster và trao đổi trước Hội đồng Giám khảo tại vòng Bán kết
Tác giả, nhóm tác giả thuyết trình và trao đổi trước Hội đồng Giám khảo tại vòng Chung kết
Kết quả Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm nay, Ban tổ chức đã công bố và trao 02 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba, 06 giải Khuyến khích và 01 giải Sản phẩm được bình chọn nhiều nhất như sau:
Bảng A: Các đề tài, giải pháp công nghệ trong chế biến
- Giải Nhất: Đề tài “Nui khoai mỡ bổ sung protein thực vật”, nhóm tác giả: Phùng Võ Hưng Phát, Trần Anh Vũ, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Thị Hương - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
- Giải Nhì: Đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất bột chất nhầy từ Sâm Bố Chính”, nhóm tác giả: Vũ Thị Thu Hiền, Lê Ngọc Hiển, Tiêu Trọng Tín - Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.
- Giải Ba: Đề tài “Optimization of extraction conditions on total catechin content, total phenolic content from cashew apples (anacardium occidentale L.) using enzyme - and ultrasound - assisted method and production of spray - dried instant powder”, nhóm tác giả: Châu Minh Thuận, Quách Vĩ Khang, Chu Bảo Khuê, Cao Hoàng Anh - Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Các giải Khuyến khích:
Đề tài “Bánh Gạo Prebiotic”, nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thanh Tú, Ngô Duy Khánh, Nguyễn Thị Cẩm Xuyên, Phạm Thị Kiều Oanh, Lê Thị Thảo Ngân - Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Đề tài “Nghiên cứu phương pháp làm giàu tinh bột kháng từ hạt mít bằng vi sóng và ứng dụng trong sản xuất bánh biscotti từ tinh bột hạt mít”, nhóm tác giả: Nguyễn Hoàng Tuấn, Đào Văn Thái Kiệt, Vũ Thị Hường, Phạm Thị Thùy Dương, Phạm Thị Mỹ Tiên - Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.
Đề tài “Nghiên cứu sản xuất bột hòa tan và bột diệp lục từ lá hẹ (Allium ramosum L.)”, nhóm tác giả: Tạ Thị Hồng Nhung, Lâm Tấn Phát, Phan Thị Phượng Tường, Trần Thị Minh Tuyền, Trần Nguyễn An Sa - Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.
Đề tài “Phát triển sản phẩm trà nhàu hòa tan”, nhóm tác giả: Kim Thị Yến, Nguyễn Thị Như Ý, Lê Thị Hoàng Thơ- Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Đề tài “Nghiên cứu các thông số tối ưu nâng cao chất lượng thạch nước mía”, nhóm tác giả: Nguyễn Thị Lệ Phương, Nguyễn Thị Ngân - Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai.
Bảng B: Các đề tài, giải pháp công nghệ trong bảo quản
- Giải Nhất: Đề tài “Chế phẩm chitosan được thu nhận với sự hỗ trợ của dung môi DES và sóng siêu âm”, nhóm tác giả: Nguyễn Tấn Đạt, Huỳnh Lê Thanh Ngân, Nguyễn Dương Thiên Tú, Trần Thị Thúy An, Đặng Huỳnh Anh - Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.
- Giải Nhì: Đề tài “Ứng dụng CaCl2, KMnO4 trong việc kéo dài thời gian bảo quản và chất lượng trái đu đủ (carica papaya L.) sau thu hoạch”, tác giả: Nguyễn Hoàng Phúc - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Giải Ba: Đề tài “Nghiên cứu sinh tổng hợp Cellulose vi khuẩn từ tinh bột khoai mài kết hợp nano bạc ứng dụng làm màng bảo quản thực phẩm”, nhóm tác giả: Nguyễn Thị Cẩm Tiên, Dương Ngọc Bảo Trung - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Giải Khuyến khích: Đề tài “Màng tinh bột oxy hóa-chitosan: Đánh giá các tính chất hóa lý, cơ lý và khả năng làm chậm quá trình trình chín quả”, nhóm tác giả: Nguyễn Thị Ly Na, Lục Thị Hồng Phấn, Trương Thị Thùy Dương, Nguyễn Công Cao Nguyên, Ngô Thị Thùy Linh - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Giải Sản phẩm được bình chọn nhiều nhất:
Đề tài “Nano Silver - Dung dịch nano diệt vi khuẩn và nấm gây bệnh cho cây trồng”, nhóm tác giả: Phạm Thị Khánh Ly, Võ Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Vi Thiện Thảo, Đỗ Thị Tuyết Loan, Phạm Huy Vũ – Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban tổ chức tặng hoa cho Hội đồng Giám khảo
Tác giả, nhóm tác giả đạt giải Nhất tại Cuộc thi
Tác giả, nhóm tác giả đạt giải Nhì tại Cuộc thi
Tác giả, nhóm tác giả đạt giải Ba tại Cuộc thi
Tác giả, nhóm tác giả đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi
Tác giả, nhóm tác giả đạt giải Sản phẩm được bình chọn nhiều nhất
Tác giả, nhóm tác giả đạt giải thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng Giám khảo và Ban tổ chức
Xin chúc mừng Cuộc thi đã diễn ra thành công tốt đẹp, chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả đã đạt giải cao tại Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2023. Hẹn gặp lại quý nhà khoa học, quý thầy, cô và các bạn sinh viên trong Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2024.
Ban biên tập Web HUIT
TT TS&TT
Xem thêm :