Bạn tìm được tạp chí phù hợp, chuẩn bị thư trình bày (Cover Letter) và gửi bài (submit). Sau 02 tuần (cũng có thể là 04 tuần) bạn nhận được email của tổng biên tập tạp chí thông báo bài viết của bạn phù hợp với các tiêu chí cơ bản của tạp chí và đã được gửi cho phản biện (chúc mừng bạn, bản thảo bài báo của bạn đã vượt qua vòng đầu tiên). Sau những tháng ngày chờ đợi (thường là 03 tháng, cũng có thể đến 06 hoặc 09 tháng, tùy vào tạp chí), vào một ngày đẹp trời bạn lại nhận được email của tổng biên tập thông báo đã có kết quả phản biện cho bài báo của bạn. Chắc chắn bạn cũng như tất cả những tác giả khác đều mong muốn bài viết của mình được chấp nhận đăng ngay mà không phải chỉnh sửa gì. Tuy nhiên trong thực tế điều này rất hiếm khi xảy ra, đặc biệt với những tạp chí uy tín. Kịch bản cho bài báo của bạn thường rơi vào một trong bốn trường hợp sau: đồng ý với chỉnh sửa ít, yêu cầu chỉnh sửa nhiều, viết lại bài và gửi lại, và từ chối hoàn toàn (Cowling, 2012; Millett, 2006; Williams, 2004). Cụ thể với mỗi trường hợp như sau:

Chấp nhận không cần chỉnh sửa (accept without any changes)

      Như đã trao đổi ở trên, kịch bản này hầu như không xảy ra. Nhưng tất nhiên trong một số trường hợp hãn hữu nào đó thì vẫn có. Ý nghĩa ở đây là bản thảo của bạn đã rất hoàn hảo và không có bất cứ một yêu cầu chỉnh sửa gì thêm. Bản thảo của bạn sẽ được gửi tới bộ phận xuất bản để chế bản và bản hiệu đính (proof) sẽ sớm được gửi cho bạn để đọc soát lỗi lần cuối (proofreading). Rất nhanh sau đó bài báo của bạn sẽ được xuất bản online (Cowling, 2012).

Chấp nhận với chỉnh sửa ít (accept with minor revision)

      Điều này chỉ xảy ra nếu bản thảo bài báo của bạn thuật sự xuất sắc và tất nhiên cộng thêm cả may mắn nữa. Kết quả này có nghĩa bài viết của bạn chỉ cần chỉnh sửa một số điểm về kỹ thuật như sử dụng từ, diễn đạt, tài liệu tham khảo. Trong trường hợp này bạn nên chỉnh sửa bản thảo theo đúng như yêu cầu mà không tranh luận gì thêm, rồi gửi lại cho tổng biên tập càng sớm càng tốt để có thể được chấp nhận một cách nhanh chóng (Williams, 2004).

Yêu cầu chỉnh sửa nhiều (major revisions required)

      Đây là kết quả xảy ra nhiều nhất. Với trường hợp này thì trong thư của tổng biên tập sẽ ghi rõ “cần chỉnh sửa nhiều” (major revision) và kèm theo là những nhận xét (comments) khá chi tiết của các phản biện (thường là 2-3 phản biện hoặc thậm chí còn nhiều hơn). Để bài báo của bạn có thể đi tiếp, bạn phải “giải quyết” tất cả các ý kiến của phản biện. Nếu các góp ý là xác đáng thì bạn cần chỉnh sửa bản thảo theo tất cả các ý kiến đó. Nếu có những ý kiến không phù hợp (có thể phản biện chưa hiểu đúng về lập luận trong bài báo của bạn) hoặc những yêu cầu vượt quá năng lực hiện tại của bạn (như lấy thêm dữ liệu) thì bạn có thể không cần chỉnh sửa nhưng phải giải thích kỹ lưỡng trong thư phải hồi phản biện (tôi sẽ có bài viết về vấn đề này trong những bài viết sau).  

Viết lại bài hoặc chỉnh sửa rồi gửi lại (rewrite/revise and resubmit)

      Trong một số trường hợp tổng biên tập và phản biện thấy bài viết của bạn có một số điểm thú vị hoặc thích ý tưởng của bạn nêu ra trong bài. Tuy nhiên, cách trình bày, lập luận của bạn hoặc cấu trúc bài báo chưa đáp ứng được yêu cầu của phản biện hoặc của tạp chí thì họ sẽ cho bạn cơ hội để viết lại bài và gửi lại. Thông thường họ sẽ đưa ra các gợi ý để bạn viết lại bài. Việc này tất nhiên sẽ làm bạn mất rất nhiều thời gian vì coi như bạn phải viết lại một bài mới. Như vậy chỉ có bạn mới quyết định được sẽ đi tiếp với tạp chí này hay “buông bỏ” ở đây và gửi bài cho tạp chí khác (Williams, 2004). Nếu bạn quyết định theo hướng thứ hai thì tôi khuyên bạn nên tận dụng các góp ý của phản biện để chỉnh sửa những chỗ có thể rồi hãy gửi cho tạp chí mới.

Từ chối hoàn toàn (outright rejection)

      Kết quả này có nghĩa là phản biện và tổng biên tập thấy bản thảo bài báo của bạn không phù hợp với tạp chí. Có thể là do họ thấy bài viết của bạn không có tính mới hoặc có một số lỗi về phương pháp nghiên cứu không thể khắc phục được (Millett, 2006; Williams, 2004). Thông thường các phản biện cũng đưa ra một số nhận xét nhưng thường không chi tiết. Chấp nhận kết quả này có thể không dễ dàng với bạn, đặc biệt nếu đây là bản thảo đầu tiên và bạn đã dành bao tâm huyết và công sức. Nhưng đây là một phần của xuất bản khoa học quốc tế. Việc tìm một tạp chí khác để gửi bài là tất nhiên. Tuy nhiên tôi khuyên bạn hãy xem lại những nhận xét của phản biện và đối chiếu với bài viết của bạn. Có thể bạn sẽ thấy những điểm cần chỉnh sửa trước khi quyết định gửi bản thảo cho một tạp chí khác.

      Trên đây là bốn kịch bản sẽ xảy ra với bản thảo bài báo của bạn khi bản thảo đó qua được vòng xem xét đầu tiên của tổng biên tập và được phản biện. Hiểu được ý nghĩa của những kết quả này sẽ giúp các nhà nghiên cứu trẻ, các tác giả mới vào nghề (novice authors) có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong quá trình công bố bài báo khoa học quốc tế đầu tiên của mình.

Tài liệu tham khảo

Cowling, W. R. (2012). The meaning of a review decision: The road to publication. Journal of Holistic Nursing30(4), 218–219. https://doi.org/10.1177/0898010112464943

Khadilkar, S. S. (2018). Rejection blues: Why do research papers get rejected? Journal of Obstetrics and Gynecology of India68(4), 239–241. https://doi.org/10.1007/s13224-018-1153-1

Millett, D. (2006). Dealing with reviewers’ comments? Journal of Orthodontics33(2), 69–70. https://doi.org/10.1179/146531205225021438

Williams, H. C. (2004). How to reply to referees’ comments when submitting manuscripts for publication. Journal of the American Academy of Dermatology51(1), 79–83. https://doi.org/10.1016/j.jaad.2004.01.049

Nguyễn Hữu Cương

(https://www.researchgate.net/profile/Cuong-Nguyen-36)