Thông tin trên vừa được đưa ra tại Hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời", tổ chức vào ngày 08/10 tại Hà Nội. Các chuyên gia cũng cho biết, lao động trình độ Đại học, Cao đẳng trở lên thất nghiệp chiếm 30,8%.
Hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0" do Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực TSC (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và một số đơn vị tổ chức tại Hà Nội, chiều ngày 08/10.
Hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0"
Hội thảo nhằm cung cấp cái nhìn toàn cảnh về thị trường lao động, nâng cao nhận thức của cộng đồng về hướng nghiệp; đồng thời, giáo dục kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên, phụ huynh cũng như giúp học sinh, sinh viên kết nối việc làm với các đơn vị, doanh nghiệp.
Tỷ lệ lao động trình độ cao đẳng và đại học thất nghiệp chiếm 30,8%
Sinh viên ra trường mơ hồ không biết làm gì
Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đưa ra bức tranh toàn cảnh về định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐHQG Hà Nội
Theo chuyên gia này, ngày nay tình trạng người trẻ thất nghiệp trên thế giới tiếp tục ở mức cao, nhất là tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên thất nghiệp chiếm 30,8%.
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến tình trạng này xảy ra là sinh viên chọn nhầm nghề và thiếu kỹ năng mềm.
Với góc nhìn này, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cũng nhận xét, việc hướng nghiệp rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua công tác hướng nghiệp đang là khoảng trống mênh mông.
Chuyên gia này phân tích, nếu chọn đúng ngành yêu thích, các em phát huy được năng lực nhưng chọn sai ngành hết sức nguy hại không chỉ cho sinh viên mà cho cả xã hội vì dẫn đến tình trạng nhân lực thừa hoặc thiếu.
Đấy cũng là lý do vì sao sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều trong khi thị trường lao động không có.
PGS.TS. Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn
"Trong trường hợp đó, ai sẽ là người tư vấn cho các em? Gia đình ư? Không phải gia đình nào cũng biết để tư vấn cho con. Muốn hướng nghiệp được thì phải nắm được số liệu, căn cứ vào thực tiễn chứ không phải áp đặt ý kiến chủ quan của bố hoặc mẹ", PGS.TS Nguyễn Quang Liệu nói.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu cho rằng, hướng nghiệp thực sự phải gắn kết giữa gia đình - nhà trường - người học - người lao động - doanh nghiệp.
Công tác hướng nghiệp từ THPT giúp các em biết được sau 3 năm học sẽ chọn trường đại học nào phù hợp.
Sau đó lên đại học là sự kết hợp hướng nghiệp với khởi nghiệp để tránh trường hợp sinh viên hiện nay mơ hồ không biết học để làm gì.
"Việc hướng nghiệp cho học sinh THPT giúp cân bằng thị trường lao động, góp phần giúp xã hội hạn chế việc thiếu thừa nhân lực cục bộ trong một số ngành nghề", PGS.TS Nguyễn Quang Liệu nói.
Sai ngành, sai trường, thiếu kĩ năng dẫn đến thất nghiệp
Ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, số còn lại chỉ liên quan đến ngành đào tạo là 25%, thậm chí không liên quan đến ngành đào tạo là 19%.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý II năm 2022, xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%, cao đẳng và trung cấp là 30,5%; trong khi đó, nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%, cao đẳng và trung cấp là 33%...
Từ các số liệu thống kê trên đây cho thấy, có sự khác nhau rõ ràng giữa thị trường lao động việc làm với hình dung của người lao động về mối liên hệ giữa trình độ đào tạo, vị trí làm việc, mức lương kỳ vọng và việc có tìm được công việc như mong muốn đang ở mức chênh lệch cao.
Điều này phần nào phản ánh những bất cập trong công tác hướng nghiệp, phân luồng trong các cơ sở giáo dục cũng như quá trình tự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của người học.
Ông Bùi Văn Linh cho rằng, việc học sai ngành, chọn sai trường, thiếu việc làm, thiếu kỹ năng làm việc..., là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ ra trường sẽ thất nghiệp hay khó tìm việc làm tốt.
Nếu học sinh, sinh viên không được hỗ trợ hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp đúng đắn, vấn đề này có thể trở thành "quả bom hẹn giờ" tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cũng như sự ổn định và phát triển ở mỗi quốc gia.
Chính vì vậy, việc hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên đang là mối quan tâm hàng đầu của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường, và xã hội.
Đây chính là minh chứng khẳng định người học chưa có thông tin đầy đủ, chưa được định hướng nghề nghiệp cụ thể trước khi chọn trường, chọn nghề và sau đó là bước vào thị trường lao động.
Do đó, việc học sai ngành, chọn sai trường, thiếu việc làm, thiếu kỹ năng làm việc..., là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ ra trường thất nghiệp.
Theo Báo Dân Trí
TT.QLCL