Chắc chắn bạn hiểu được tầm quan trọng tiêu đề (title) bài báo của bạn. Khi bài báo được xuất bản thì có thể có khá ít người đọc cả bài, nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều người đọc tiêu đề của bài. Một tiêu đề bài báo khoa học tốt được định nghĩa là tiêu đề sử dụng ít nhất số từ có thể để mô tả đầy đủ nội dung của bài báo [1]. Theo Belcher (2019) [2] thì tiêu đề của bài báo là phần đầu tiên mà độc giả sẽ tìm và đọc. Tiêu đề cũng thường là phần duy nhất được cung cấp cho người bình duyệt (peer reviewer) để họ xem xét và quyết định có dành thời gian để bình duyệt bản thảo bài viết của bạn hay không (một số tạp chí có thể cung cấp phần Tóm tắt - Abstract). Tất nhiên ai cũng mong muốn đặt tiêu đề bài báo của mình vừa súc tích, bao quát được nội dung của bài và phải độc đáo, dễ nhớ. Tuy nhiên, đây lại là công việc khá khó đối với những nhà nghiên cứu trẻ. Khi bạn chưa nghĩ được một tiêu đề như trên thì có thể những gợi ý sau sẽ giúp bạn có được một tiêu đề bài báo hợp lý.
Khi đặt tiêu đề bài báo khoa học, các bạn có thể lưu ý những điểm sau:- Độ dài của tiêu đề: 8-15 từ tiếng Anh- Tiêu đề phải thu hút sự chú ý của độc giả- Tiêu đề phải phản ánh rõ được vấn đề chính sẽ thảo luận trong bài viết
Một tiêu đề tốt cần trả lời được những câu hỏi sau:- Nghiên cứu về vấn đề gì?- Vấn đề được nghiên cứu như thế nào (sử dụng phương pháp/kỹ thuật gì)?- Nghiên cứu với đối tượng nào (với ai)?- Ở đâu/ Trong bối cảnh nào nghiên cứu được thực hiện?
Tiêu đề có thể được đặt theo cách sau:
Các bạn lưu ý là cách đặt tiêu đề trên chỉ là gợi ý. Không phải tiêu đề nào cũng có đầy đủ các thành phần ở trên và vị trí sắp xếp các thành phần có thể thay đổi. Khi các bạn đã viết được nhiều bài rồi, các bạn sẽ biết cách đặt tiêu đề một cách hợp lý nhất cho bài viết của mình.
Một số ví dụ tiêu đề hay như “Identifying the moral–practical gaps in corporate social responsibility missions of Vietnamese firms: An event‐based analysis of sustainability feasibility” [3]; “The emergence of private higher education in a communist state: the case of Vietnam” [4]; “Internationalizing Higher Education in Vietnam Insights from Higher Education leaders – an exploratory study” [5]; và “Barriers to and facilitators of female Deans’ career advancement in higher education: an exploratory study in Vietnam” [6].
Tài liệu tham khảo[1] Gastel, B. & Day, R. (2016). How to write and publish a scientific paper? (8th ed.). Santa Barbara, CA: Greenwood.[2] Belcher, W. L. (2019). Writing your article in 12 weeks: a guide to academic publishing success (2nd ed.). Chicago: Chicago University Press.[3] Vuong, Q-H., La, V-P., Nguyen, H-K. T., Ho, M-T., Vuong, T-T., & Ho. M-T. (2021). Identifying the moral–practical gaps in corporate social responsibility missions of Vietnamese firms: An event‐based analysis of sustainability feasibility. Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 28(1), 30-41.[4] Chau, Q., Nguyen, C. H., & Nguyen, T-T. (2020). The emergence of private higher education in a communist state: the case of Vietnam. Studies in Higher Education. DOI: https://doi.org/10.1080/03075079.2020.1817890[5] Nguyen, D. P., Vickers, M., Ly, T. M. C., & Tran, M. D. (2016). Internationalizing Higher Education in Vietnam Insights from Higher Education leaders – an exploratory study. Education & Training, 58(2), 193-208.[6] Nguyen, T. L. H. (2013). Barriers to and facilitators of female Deans’ career advancement in higher education: an exploratory study in Vietnam. Higher Education, 66(1), 123-138.
Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.