Trong bài mở màn chuyên mục “NGHIÊN CỨU VÀ CÔNG BỐ QUỐC TẾ” của Tạp chí Giáo dục chúng ta đã tìm hiểu khái niệm “bài báo khoa học” và một số loại bài báo khoa học chính. Vậy, “Công bố bài báo khoa học để làm gì?” hay “Tại sao phải công bố bài báo khoa học trong các tạp chí uy tín?” Trong bài viết này, tôi xin trao đổi một số câu trả lời để chúng ta cùng bàn luận.

Trước tiên cần thống nhất thế nào là một tạp chí có uy tín. Trong khuôn khổ bài viết này tạp chí uy tín được hiểu là những tạp chí thuộc danh mục tạp chí quốc tế và quốc gia có uy tín do Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) ban hành năm 2019. Cụ thể, tạp chí trong nước có uy tín là các tạp chí thuộc danh mục tạp chí do Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công bố hàng năm có điểm tối đa cao nhất từ 1 điểm trở lên. Tạp chí quốc tế có uy tín là những tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu của Web of Science và Scopus, của các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới như Elsevier, Springer, Sage,... [1] [2].

Còn với câu hỏi “Tại sao phải công bố bài báo khoa học trong các tạp chí có uy tín?”, theo tôi có thể tóm lược trong 12 lý do sau:

Thứ nhất là để đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại. Điều này với nhiều người nghe có vẻ mơ hồ hoặc quá to tát, nhưng thật vậy, khi bài báo của bạn được chấp nhận đăng trong một tạp chí khoa học uy tín thì công trình của bạn cũng cung cấp một hàm lượng kiến thức nào đó để góp vào nguồn tri thức của nhân loại.

Thứ hai là để lưu trữ công trình nghiên cứu của bạn. Tất nhiên rồi, sẽ rất tốt nếu như kết quả nghiên cứu của bạn được lưu giữ dưới dạng một hoặc một số bài báo đăng trong tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Thứ ba là để cho công trình nghiên cứu của bạn được nhận diện ở bình diện quốc gia hoặc quốc tế. Một bài báo được đăng trong tạp chí quốc tế tất nhiên sẽ được những độc giả ở nhiều quốc gia trên thế giới biết đến.

Thứ tư là để lan tỏa kết quả nghiên cứu của bạn đến với nhiều người. Khi nghiên cứu của bạn được xuất bản trong một tạp chí có uy tín thì sẽ được nhiều người biết đến, kể cả các độc giả bên ngoài lãnh thổ quốc gia.

Thứ năm là để khẳng định vị trí của bạn trong bản đồ các nhà khoa học trong nước và quốc tế có bài báo quốc tế. Bạn sẽ khẳng định được tên tuổi và vị trí của mình trong ngành và trong lĩnh vực nghiên cứu qua các bài báo có chất lượng và có cơ hội được trích dẫn nhiều.

Thứ sáu là để có cơ sở để xin tài trợ từ các quỹ hoặc các tổ chức trong và ngoài nước. Bài báo khoa học là một loại chứng nhận “nặng ký” xác nhận năng lực nghiên cứu và khả năng xuất bản của bạn. Điều này nhiều khi đóng vai trò quyết định để các quỹ đồng ý tài trợ nghiên cứu.

Thứ bảy là để đủ điều kiện hoặc thuận lợi để được đề bạt, phát triển chuyên môn. Nhiều trường đại học của Việt Nam quy định để có thể giảng dạy ở những lớp chất lượng cao, giảng viên phải có bài báo quốc tế. Để đạt công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ở nước yêu cầu ứng viên phó giáo sư phải công bố được ít nhất 03 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín, và với ứng viên giáo sư là 05 bài [3].

Thứ tám là để đủ điều kiện để bảo vệ luận án tiến sĩ hoặc nhận bằng tiếng sĩ. Nhiều trường đại học trên thế giới cho phép nghiên cứu sinh được nộp các bài báo khoa học có phản biện là kết quả của quá trính nghiên cứu tiến sĩ để được xét cấp bằng. Ở Việt Nam có quy định một trong những điều kiện để nghiên cứu sinh được đăng ký đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn là phải có ít nhất 01 bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục Web of Science, Scopus [4].

Thứ chín là để có điểm cộng hoặc thuận lợi khi xin học và/hoặc xin học bổng cho học thạc sĩ (đặc biệt là thạc sĩ nghiên cứu) hoặc tiến sĩ. Có bài báo quốc tế sẽ là điều rất thuận lợi, một bằng chứng rất tốt cho năng lực nghiên cứu của bạn.

Thứ mười là để trả sản phẩm đầu ra của dự án được tài trợ. Ví dụ quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) yêu cầu sản phẩm đầu ra cho một đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn phải là ít nhất 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín và 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín [5].

Thứ mười một là là để tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học trong và/hoặc ngoài nước. Khi bạn là tác giả, đặc biệt là tác giả liên hệ của một bài báo trong một tạp chí có uy tín, thì sẽ có nhiều nhà khoa học khác biết đến bạn. Từ đó có thể mở ra những cơ hội hợp tác nghiên cứu mới.

Thứ mười hai là để được nhận tiền thưởng. Nhiều trường đại học Việt Nam có mức thưởng khá cao (có thể lên tới và trăm triệu đồng) cho một bài báo được đăng trong những tạp chí hàng đầu trong danh mục AHCI, SCIE hoặc SSCI của Web of Science. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có nhiều chính sách thưởng cho các công bố quốc tế có chất lượng cao.

Trên tất cả, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu xác nhận rằng họ viết bài và đăng bài ở những tạp chí có uy tín chỉ bởi niềm đam mê. Sẽ chẳng có gì vui sướng và tự hào hơn khi thấy bài viết của mình được đăng trong tạp chí hàng đầu của ngành.

Tài liệu tham khảo

[1]    NAFOSTED. (2019). Quyết định số 151/QĐ-HĐQL-NAFOSTED phê duyệt Danh mục các tạp chí quốc tế có uy tín và tạp chí ISI có uy tín trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Hà Nội.

[2]   NAFOSTED. (2019). Quyết định số 251/QĐ-HĐQL-NAFOSTED phê duyệt phê duyệt Danh mục tạp chí quốc tế và quốc gia có uy tín trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Hà Nội.

[3]   Thủ tướng Chính phủ. (2018). Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và b nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và min nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Hà Nội.

[4]   Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2017). Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Hà Nội.

[5]   NAFOSTED. (2020). Thông báo Chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong Khoa học xã hội và nhân văn năm 2020 đợt II. https://nafosted.gov.vn/thong-bao-chuong-trinh-tai-tro-nghien-cuu-co-ban-trong-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-nam-2020-dot-ii/

Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, https://www.researchgate.net/profile/Cuong-Nguyen-36

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.