Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (HUFI) tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn hóa chương trình kỹ năng mềm cho sinh viên theo nhu cầu nhân lực cuộc cách mạng 4.0.
Từ năm 2016, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM là đơn vị tiên phong đưa chương trình huấn luyện kỹ năng mềm vào nội dung chính khóa, làm tiêu chí chuẩn đầu ra cho sinh viên.
Xác định bộ ba hành trang không thể thiếu để sinh viên lập thân, lập nghiệp là Kiến thức - Kỹ năng – Thái độ, chương trình được thiết kế theo hướng mở gồm 10 kỹ năng, chia làm 3 nhóm (nhóm kỹ năng khá phá bản thân; nhóm kỹ năng hướng đến xã hội, tự nhiên và nhóm kỹ năng hướng nghiệp, nghề nghiệp, do chuyên gia hàng đầu xây dựng và huấn luyện, nòng cốt là TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.
Hình 1: Bộ giáo trình 10 kỹ năng mềm cho sinh viên HUFI
Bộ giáo trình 10 kỹ năng phân chia thành 2 phần
Các kỹ năng được phân chia huấn luyện theo nhóm đối tượng sinh viên. Nội dung cốt lõi của từng kỹ năng giúp sinh viên biết cách tự định hướng thực hiện được kỹ năng trong thực tế. Ngoài ra, dựa trên nội dung chuẩn của giáo trình giảng viên sẽ huấn luyện cho sinh viên. Hệ thống bài tập thực hành để sinh viên luyện tập trên lớp với sự hướng dẫn của giảng viên và các bài tự luyện tập tại nhà và các bài tự luyện tập trong thực tế, nhằm giúp sinh viên đạt đến mức độ kỹ năng thuần thục.
Bộ tài liệu thiết kế hoạt động đánh giá các môn học kỹ năng gồm 2 phần:
Đánh giá quá trình: Giảng viên đánh giá thông qua hệ thống bài tập thực hành trên lớp của từng sinh viên.
Đánh giá cuối kỳ: Đánh giá thông qua bài viết tái hiện nội dung cốt lõi của kỹ năng (phần lý thuyết) Đánh giá thông qua phần xử lý tình huống trong bài thi (bài tập)
Đánh giá cuối kỳ thông qua xử lý tính huống là một cuộc thi, hoạt động ngoại khoá mà sinh viên phải ứng dụng kỹ năng mềm vừa học được.
Các kỹ năng được xây dựng như một học phần chính khóa, trong đó từng học kỳ, sinh viên được huấn luyện và trải nghiệm từng kỹ năng phù hợp, mục tiêu gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Thông qua từng hoạt động, môn học, sinh viên vận dụng giải quyết các vấn đề, tình huống gặp phải, từ đó hình thành những kỹ năng, phẩm chất cần có nơi người học.
Chương trình được thiết kế theo hướng mở gồm 10 kỹ năng, chia làm 4 nhóm:Nhóm 1: Nhóm kỹ năng hướng vào bản thân, bao gồm: Kỹ năng khám phá bản thân, Kỹ năng xây dựng mục tiêu và tạo động lực.
Nhóm kỹ năng này được tổ chức cho các sinh viên năm thứ 1 với mục đích sinh viên tự nhận thức và trả lời được những câu hỏi: Bản thân cần gì? Bản thân có ưu điểm và khuyết điểm gì? Làm thế nào để đạt được điều mình mong muốn? Từ đó sinh viên có trách nhiệm hơn với bản thân; có bản lĩnh vượt qua những khó khăn, thất bại; có thái độ và hành vi tích cực trong học tập, cuộc sống để ngày một hoàn thiện bản thân.
Nhóm 2: Nhóm kỹ năng tương tác (với cá nhân và tổ chức), bao gồm: Kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng hướng nghiệp và chuẩn bị hành trang việc làm.
Nhóm kỹ năng này được tổ chức cho sinh viên năm 2, với mục đích sinh viên thích nghi và hòa nhập được trong môi trường sống và học tập mới; có khả năng tương tác phù hợp trong các mối quan hệ xã hội, bản lĩnh và tự tin thể hiện, khẳng định bản thân trong môi trường tập thể;
Hiểu biết về thị trường lao động, ngành nghề đang theo học, từ đó chủ động tích lũy kiến thức và kỹ năng cần có để gia nhập thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.
Nhóm 3: Nhóm Kỹ năng thuộc về sự tự chủ trong công việc và những hành vi tích cực trong nghề nghiệp, bao gồm: Kỹ năng đạt mục tiêu và lập kế hoạch, Kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định, Kỹ năng lãnh đạo/ khả năng xây dựng nhóm.
Nhóm kỹ năng này được tổ chức cho sinh viên năm II, với mục đích: Sinh viên có năng lực giải quyết các bài toán mục tiêu trong học tập, nghề nghiệp và cuộc sống; sử dụng các công cụ hiệu quả để giải quyết các loại công việc cụ thể; Sinh viên hình thành những kỹ năng, tố chất của một thủ lĩnh, cán bộ quản lý, lãnh đạo trong tương lai.
Nhóm 4: Nhóm kỹ năng về tìm kiếm và phát triển nghề nghiệp, bao gồm: Kỹ năng tìm việc và chinh phục nhà tuyển dụng, Kỹ năng tác phong công nghiệp và tư duy sáng tạo.
Được tổ chức cho sinh viên năm cuối, đây là giai đoạn sinh viên phải tiếp xúc với doanh nghiệp, môi trường thực tế để thực tập và tìm kiếm việc làm, phát triển bản thân. Sinh viên biết sử dụng các kênh thông tin để tìm kiếm việc làm; xây dựng được hồ sơ tìm việc; có kỹ năng giao tiếp, khả năng trả lời phỏng vấn, đàm phán với nhà tuyển dụng; Sinh viên có thái độ chủ động, tích cực và cầu tiến trong quá trình thử việc, có mục tiêu và lý tưởng nghề nghiệp để phấn đấu; Sinh viên có những phẩm chất, năng lực của công dân toàn cầu, lao động quốc tế; thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiện đại.
Hình 2: Sinh viên tham gia lớp học huấn luyện kỹ năng mềm
Giảng viên huấn luyện là những chuyên gia, doanh nhân được Nhà trường trực tiếp mời huấn luyện cho sinh viên theo mô hình: Học – trải nghiệm; Ngoài ra để lồng ghép tích hợp ứng dụng kỹ năng mềm vào từng môn học, HUFI còn mời các chuyên gia hàng đầu tổ chức các lớp tập huấn cho giảng viên để đưa kỹ năng vào trong từng môn học theo chuẩn đầu ra.
Kết quả: Theo yêu cầu sinh viên đạt chuẩn đầu ra phải tịch đủ 4/10 kỹ năng, nhưng sau 3 năm được triển khai tổ chức và đào tạo miễn phí 80% sinh viên học nhiều hơn 4 kỹ năng, đạt chuẩn đầu ra.
Bài học kinh nghiệm: Sự thành công của chương trình chính là sự kết hợp giữa hoạt động giảng dạy và hoạt động trải nghiệm thực tế thông qua hệ thống các bài tập, cuộc thi, hoạt động định hướng nghề nghiệp, ứng dụng qua các môn học chuyên ngành,…
Đông đảo sinh viên tham gia học tập, rèn luyện và đạt được nhiều giải thưởng cao tạo thành phong trào, động lực cho sinh viên khác học tập.
Số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp ngày càng nhiều (hơn 80%); các doanh nghiệp có thiện cảm và đánh giá rất cao về thái đội và kỹ năng của sinh viên HUFI.