Khác với mọi năm, thời điểm này, thí sinh trước ngưỡng cửa vào đại học (ĐH) vẫn “án binh” chờ các kỳ thi lớn để xét tuyển. Năm nay, ngay từ đầu tháng Ba, tình hình xét tuyển vào ĐH bằng học bạ nhộp nhịp hẳn.
Khác với mọi năm, thời điểm này, thí sinh trước ngưỡng cửa vào đại học (ĐH) vẫn “án binh” chờ các kỳ thi lớn để xét tuyển. Năm nay, ngay từ đầu tháng Ba, tình hình xét tuyển vào ĐH bằng học bạ nhộp nhịp hẳn. Với phương thức này, thí sinh có kết quả học tập ba năm THPT khá, giỏi gần như nắm chắc suất vào ĐH. Chưa kể, nhiều trường ĐH cũng dành chính sách học bổng đối với thí sinh nếu có kết quả cao, nhất cử lưỡng tiện.
Các trường đang thu hút thí sinh nộp hồ sơ đông có thể kể đến Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với hơn 800 hồ sơ. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM được hơn 2.300 nguyện vọng xét tuyển.
Phụ huynh, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay trường đã nhận được hơn 1.200 hồ sơ. Các ngành nhiều hồ sơ là công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, kế toán, công nghệ thông tin... “Thí sinh xét tuyển theo phương thức học bạ có lợi thế là được xét tuyển và nhập học sớm (dự kiến vào tháng Tám - ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT). Điều này giúp thí sinh bớt lo lắng khi thi tốt nghiệp THPT”, bà Thoa nói.
Ghi nhận tại các trường THPT ở TP.HCM cho thấy, phương thức học bạ đang là ưu tiên của nhiều học sinh, kể cả học sinh có học lực khá, giỏi. Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) có hơn 500 học sinh/650 học sinh lớp 12 đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào các trường ĐH. Tỷ lệ này đã tăng từ 60% của năm 2020 lên 80% năm 2021, đa phần là học sinh có học lực từ khá trở lên.
Tương tự, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) có 100% học sinh lớp 12 đăng ký xét tuyển bằng học bạ. Đặc biệt, mỗi học sinh chuẩn bị 10 bộ học bạ để tăng cơ hội trúng tuyển.
Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), toàn bộ học sinh lớp 12 của trường đều đăng ký xét tuyển bằng học bạ, tăng đáng kể so với tỷ lệ khoảng 60% ở năm ngoái.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), lưu ý: Thí sinh có học lực trung bình, khá quan tâm đến phương thức xét tuyển bằng học bạ. Tuy nhiên, các em lưu ý một số thay đổi trong dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay. Các trường có thể sử dụng kết quả học bạ ba năm; hai năm; học bạ lớp Mười, lớp 11, học kỳ I lớp 12 hoặc chỉ kết quả lớp 12. Phương thức xét học bạ rất đa dạng, thí sinh chọn hình thức phù hợp nhất.
Thực tế, càng có nhiều phương thức xét tuyển, thí sinh càng có nhiều cơ hội, nhưng thí sinh cũng phải cân nhắc kỹ khi quyết định.
Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhắc nhở: “Thí sinh cần xác định ưu điểm, sở trường, năng lực và đặc biệt là sở đoản, điểm yếu của bản thân khi chọn ngành nghề.
Tất nhiên, phải tìm hiểu xu hướng ngành nghề trong tương lai có phù hợp với điều mình mong muốn không; định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi có ý định làm việc, từ đó mới thấy được toàn cảnh thị trường lao động. Đừng chạy theo những ngành nghề thời thượng nếu không có khả năng…”.
Theo Phụ Nữ Online.
Xem thêm :