Vụ nổ này được các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân ở Washington (Mỹ) và Trung tâm Quốc tế về nghiên cứu thiên văn vô tuyến tại miền Tây Australia phát hiện khi sử dụng, so sánh các dữ liệu từ Đài quan sát tia X Chandra của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, Đài quan sát XMM-Newton của Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu, Kính viễn vọng vô tuyến Murchison Widefield Array (MWA) ở Tây Australia và Kính viễn vọng vô tuyến Giant Metrewave ở Ấn Độ.
Vụ nổ được quan sát thấy vào năm 2016, lớn đến nỗi đã tạo ra một miệng hố khổng lồ có thể chứa 15 Dải Ngân hà.
Nơi xuất phát của vụ nổ là từ một lỗ đen trong cụm thiên hà Ophiuchus cách xa Trái đất 390 triệu năm ánh sáng. Tại trung tâm của cụm thiên hà này là một thiên hà lớn có chứa lỗ đen khổng lồ. Lỗ đen này không chỉ thu hút vật chất mà còn bắn ra các tia vật chất và năng lượng.
Hình ảnh đầu tiên được đài thiên văn Chandra X-Ray ghi lại cho thấy một "cạnh cong" bất thường tại cụm thiên hà này, nhưng khi đó các nhà khoa học cho rằng chỉ là sự phun trào năng lượng lớn.
Sau khi so sánh các dữ liệu từ 4 đài quan sát, các nhà khoa học xác nhận rằng "cạnh cong" thực sự là hệ quả của một vụ nổ khổng lồ.
Hiện tại chưa thể xác định được nguyên nhân của vụ nổ nhưng các nhà khoa học đặt giả thiết rằng vụ nổ có thể xảy ra do sự tăng đột biến của năng lượng trong lỗ đen, có thể là một thiên hà đã bị hút vào bên trong trung tâm của cụm sao.
Các nhà khoa học công bố nghiên cứu này trên tạp chí Vật lý thiên văn hôm 27-2 và cho biết cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về vụ nổ, nguyên nhân và những hệ quả mà nó tạo ra cho vũ trụ sau này.
Nguồn (Theo Báo Tuổi Trẻ)
Xem thêm :