Hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh

Hệ thống đảm bảo chất lượng (ĐBCL) nội bộ của trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh được thiết kế, xây dựng, và phát triển nhằm hướng đến liên tục đánh giá, đo lường, kiểm soát, duy trì và cải thiện chất lượng của mọi hoạt động chính yếu của nhà trường như học tập, giảng dạy, nghiên cứu, và cung ứng dịch vụ. Hệ thống ĐBCL hướng đến đáp ứng tốt sứ mệnh, tầm nhìn, đạt các mục tiêu chiến lược của nhà trường và đáp ứng tốt yêu cầu của các bên có liên quan. Có hai mục tiêu chính để thiết kế và vận hành một hệ thống ĐBCL nội bộ: Một là, nhằm đánh giá, đo lường, kiểm soát chất lượng toàn diện và trên cơ sở đó đảm bảo và nâng cao chất lượng của Nhà trường, và hai là, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn, qui định của các tổ chức, cơ quan kiểm định chất lượng bên ngoài (trong và ngoài nước) như Bộ Giáo dục và Đào tạo, AUN-QA. Hệ thống ĐBCL nội bộ của trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh bao gồm bảy thành phần.

1. Giá trị cốt lõi

1) Tập trung vào khách hàng
2) Lãnh đạo và cam kết của lãnh đạo
3) Tham dự của các bên có liên quan
4) Liên tục cải tiến
5) Ra quyết định dựa trên dữ liệu khách quan
6) So sánh với các tiêu chuẩn bên trong và bên ngoài
7) Trung thực, khách quan, minh bạch, công khai, và chia sẻ thông tin

2. Cấu trúc tổ chức và nhân sự

Cấu trúc tổ chức về hoạt động đảm bảo chất lượng đã được thống nhất từ trường đến các đơn vị. Cấu trúc này thể hiện rất rõ sự quan tâm, cam kết của cấp lãnh đạo cao nhất đối với hoạt động đảm bảo chất lượng. Ở trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh , BGH đã phân nhiệm 01 Phó Hiệu trưởng trực tiếp phụ trách công tác ĐBCL và cũng là đại diện lãnh đạo về chất lượng của toàn trường. Bộ phận ĐBCL của trường với các thành viên chuyên trách cũng đã được thành lập từ 2018. Các tổ ĐBCL ở từng đơn vị cũng đã được thành lập với các thành viên kiêm nhiệm từ đơn vị với một lãnh đạo đơn vị làm Tổ trưởng.

3. Văn hóa đảm bảo chất lượng

Văn hóa ĐBCL nội bộ chính là phần mềm kết nối những cấu trúc phần cứng như cấu trúc tổ chức, qui trình, qui định lại thành một chỉnh thể thống nhất. Văn hóa chất lượng của trường đã có nền tảng vững chắc từ trong gần 40 năm truyền thống của nhà trường, đó chính là văn hóa nhân văn – đoàn kết – tiên phong – đổi mới, luôn lấy người học làm trung tâm. Khi xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, nhà trường rất chú trọng vai trò của yếu tố văn hóa, làm nền tảng cho tất cả các hoạt động ĐBCL. Có nhiều hoạt động để thúc đẩy các giá trị cốt lõi của đảm bảo chất lượng và nâng cao nhận thức, kiến thức của đội ngũ, bao gồm:
1) Liên tục lắng nghe các bên có liên quan và hành động cải tiến dựa trên các thông tin thu được. Hiện nay Trường đã định kỳ thực hiện các khảo sát qui mô lớn với 5 nhóm đối tượng chính: sinh viên đang học, sinh viên sắp tốt nghiệp, cựu sinh viên, giảng viên – nhân viên, nhà tuyển dụng – doanh nghiệp.
2) Định kỳ họp Hội đồng ĐBCL nhằm trao đổi về chất lượng giữa BGH, Trung tâm QLCL, Tổ ĐBCL các đơn vị, giảng viên, sinh viên.
3) So sánh và học tập kinh nghiệm từ các trường bạn trong và ngoài nước. Thường xuyên tổ chức và tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, huấn luyện về đảm bảo chất lượng trong và ngoài nước.

4. Thể chế và qui định

Để hệ thống vận hành một cách hiệu quả và đồng bộ, công tác ban hành, chuẩn hóa các thể chế, qui định, qui trình thống nhất toàn trường là công tác rất trọng yếu. Hệ thống tài liệu ĐBCL của Trường hiện tại gồm 137 qui trình được soạn thảo, vận hành, đánh giá và cải tiến theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 21001:2018.

5. Hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng

Song hành với nỗ lực tin học hóa của toàn trường, hoạt động ĐBCL của Trường cũng hướng đến tập trung, chuẩn hóa toàn bộ các dữ liệu về ĐBCL của Trường, cho phép thông tin được thu thập một cách chính xác, khách quan, minh bạch và chia sẻ cho các bên có liên quan. Hệ thống thông tin ĐBCL bao gồm hai thành phần quan trọng là thông tin sơ cấp (từ các khảo sát các bên có liên quan) và thông tin thứ cấp (gồm tất cả các số liệu thứ cấp của nhà trường như số liệu về học vụ, giảng viên, sinh viên, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, tài chính…)

6. Hội nghị chất lượng thường niên

Hội nghị chất lượng Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhằm ban hành báo cáo chất lượng vào tháng 06 hàng năm để thúc đẩy văn hóa chất lượng toàn trường. Hội nghị nhằm:
1) Tổng kết tình hình thực hiện công tác ĐBCL của trường trong năm
2) Đánh giá các thành tích và các điểm yếu còn tồn tại, đưa ra các khuyến nghị cải tiến hệ thống ĐBCL
3) Xác định mục tiêu, kế hoạch ĐBCL cho năm tiếp theo
4) Khen thưởng các cá nhân, đơn vị có thành tích nổi bật về ĐBCL
5) Công bố Báo cáo ĐBCL cho các bên có liên quan. Đối tượng tham gia bao gồm BGH, đại diện các đơn vị, giảng viên, sinh viên, nhà tuyển dụng, trường bạn, khách mời, báo chí.

7. Công bố thông tin đảm bảo chất lượng

Tất cả các thông tin quan trọng về ĐBCL của Nhà trường sẽ được công bố định kỳ, rộng rãi, minh bạch đến các đối tượng có liên quan như giảng viên, nhân viên, nhà quản lý, sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng và toàn xã hội. Các thông tin này được công bố thông qua nhiều kênh khác nhau như website, Báo cáo ĐBCL, hội thảo ĐBCL, và các phương tiện khác.

Một số thành tựu chất lượng của HUIT giai đoạn 2005 - 2022

Bộ phận Đảm bảo chất lượng

Nhân sự:
Liên hệ:
+ Điện thoại: (028) 38161637 (+127, +128)
+ Di động/zalo:
Địa chỉ: P.C307 (Khu C, tầng 3), 140 - Lê Trọng Tấn, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM
Email: dbcl@hufi.edu.vn
Nhiệm vụ trọng tâm:
1) Về công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục
– Tổ chức xây dựng chiến lược, kế hoạch đảm bảo chất lượng, các văn bản quản lý về công tác đảm bảo chất lượng, các quy định và hướng dẫn sử dụng nội bộ về tiêu chí đánh giá chất lượng cấp cơ sở giáo dục và cấp chương trình đào tạo;
– Tổ chức xây dựng các quy trình đảm bảo chất lượng bên trong cho các khâu hoạt động trọng yếu của Trường, chủ trì triển khai và giám sát toàn bộ hoạt động đảm bảo chất lượng đối với các đơn vị thuộc Trường;
– Chủ trì triển khai thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng cấp cơ sở giáo dục và cấp chương trình đào tạo, hướng dẫn công tác tự đánh giá ở các đơn vị và tổng hợp kết quả tự đánh giá trong toàn Trường;
– Chủ trì triển khai thực hiện công tác tổ chức đánh giá ngoài tại Trường theo yêu cầu của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục;
– Đầu mối cập nhật, thu thập, xử lý thông tin xếp hạng, đánh giá chất lượng của từng đơn vị trong Trường; chuẩn bị hồ sơ, báo cáo của Trường tham gia phân tầng, xếp hạng theo quy định hiện hành;
– Tham gia thẩm định các đề án mở ngành, chuyên ngành đào tạo đại học, liên kết đào tạo trong Trường; phối hợp với các đơn vị trong việc thực hiện kỷ cương đào tạo các chương trình đào tạo trong Trường;
– Chủ trì và phối hợp với các đơn vị xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong Trường;
– Tham gia nghiên cứu và đề xuất, tư vấn cho Hiệu trưởng về mô hình quản trị đại học tiên tiến; phối hợp với các đơn vị tổ chức khai thác các nguồn lực phục vụ công tác quản trị đại học; tham gia xây dựng văn bản quản lý, điều hành của Trường;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng; thống kê, báo cáo, phân tích và đánh giá về công tác đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của lãnh đạo Trường.
2) Về công tác khảo sát chất lượng
Chủ trì và phối hợp với các đơn vị trong việc xây dựng quy định, tổ chức điều tra, khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan và giám sát hoạt động cải tiến chất lượng đối với kết quả: (1) Khảo sát chất lượng giảng dạy; (2) Khảo sát chất lượng chương trình đào tạo; (3) Khảo sát chất lượng phục vụ và hỗ trợ; (4) Khảo sát chất lượng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp; (5) Khảo sát chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Trường tại doanh nghiệp.
3) Về công tác thực hiện Ba công khai
Đầu mối tập hợp kết quả của các đơn vị trong Trường để thực hiện nhiệm vụ Ba công khai theo đúng quy định, bao gồm: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; Công khai tài chính.
4) Về nghiên cứu và phát triển dịch vụ
– Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý chuyên môn và giảng viên về xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, chương trình giảng dạy, phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá, đánh giá và chuyển giao ngân hàng câu hỏi thi;
– Tổ chức dịch vụ thi thử và thi cải thiện cho sinh viên Trường;
– Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu, tư vấn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đối với các vấn đề liên quan tới khảo thí, đảm bảo, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục do Hiệu trưởng giao trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật;
– Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục, đo lường và đánh giá chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục, quản trị đại học, xây dựng và đánh giá hệ thống quản lý chất lượng;
– Tham gia đánh giá ngoài cấp cơ sở giáo dục và cấp chương trình đào tạo.