Ngày 26/5/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp (UniHub), Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức với chủ đề "Kết nối và phục vụ cộng đồng – Góc nhìn của chuyên gia, nhà quản lý và giảng viên" nhằm mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các thông tin liên quan tới việc xây dựng chiến lược, tổ chức thực hiện các hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng trong các cơ sở giáo dục đại học.
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp (UniHub), Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị đối tác, cùng đông đảo các nhà quản lý, cán bộ, giảng viên quan tâm.
Về phía trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh có sự tham gia của TS. Thái Doãn Thanh – Phó hiệu trưởng Nhà trường; ThS. Dương Hoàng Kiệt – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý Chất lượng; TS. Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng khoa Khoa học Ứng dụng; ThS. Nguyễn Văn Dung - Phó Trưởng phòng Công tác Sinh viên và Thanh tra Giáo dục cùng nhiều cán bộ, giảng viên đến từ các đơn vị trong Nhà trường.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lâm Quang Đông Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Phục vụ cộng đồng là một trong ba lĩnh vực hoạt động chuyên môn và cũng là sứ mệnh trong định hướng phát triển của Trường Đại học Ngoại ngữ. Quy trình phục vụ cộng đồng ở các cơ sở đại học có nhiều điểm khác nhau và để triển khai hiệu quả cần phải luôn có sự đổi mới và cải thiện dần. PGS.TS Lâm Quang Đông mong rằng hội thảo này sẽ gặt hái được nhiều thành công với nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích từ các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà quản lý để các hoạt động trong lĩnh vực phục vụ cộng đồng ngày càng phát triển hơn nữa.
Hội thảo “Kết nối và phục vụ cộng đồng – Góc nhìn của chuyên gia, nhà quản lý và giảng viên” đã có phần trình bày của 4 tham luận. Đây là kết quả sau quá trình tìm hiểu và ứng dụng của các báo cáo viên đầy nhiệt huyết.
Tham luận 1: Kết nối và phục vụ cộng đồng từ góc nhìn bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục do GS.TS. Đặng Ứng Vận, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình nghiên cứu và trình bày. Tham luận đã giới thiệu một cách tổng quan về khái niệm phục vụ cộng đồng, chỉ ra lợi ích của sinh viên, giảng viên và nhà trường khi tham gia phục vụ cộng đồng. Các mô hình giảng dạy có sự kết nối cộng đồng như dựa trên ngành học, môn học cuối khóa, thực tập phục vụ, nghiên cứu cộng đồng đã được GS.TS. Đặng Tùng Vận đề cập tới trong bản tham luận. Cuối báo cáo, GS.TS. Đặng Tùng Vận cũng gợi ý một số cách để tích hợp sự tham gia của cộng đồng vào môn học hiện có và các ý tưởng phục vụ cộng đồng cho sinh viên.
Tham luận 2: Kết nối và phục vụ cộng đồng – Tác động từ các khía cạnh khác nhau do PGS. TS Lê Thị Kim Ánh, Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Y tế công cộng. Bằng những quan sát thực tế và tìm hiểu chuyên sâu, PGS.TS Lê Thị Kim Ánh đã phân tích một cách toàn diện tác động của nhu cầu cộng đồng, hoạt động chuyên môn, mục tiêu của cơ sở giáo dục tới tính hiệu quả trong công tác kết nối và phục vụ cộng đồng hiện nay.
Tham luận số 3: Kết nối và phục vụ cộng đồng: Mô hình thực thi và vận dụng tại Trường Quốc tế – ĐHQGHN do PGS.TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng trường Quốc tế trình bày. Báo cáo đã nêu lên sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi mà phục vụ cộng đồng mang lại cho xã hội. Ông khẳng định rằng những đóng góp của Nhà trường cho cộng đồng càng lớn thì uy tín và tầm ảnh hưởng của Nhà trường sẽ ngày một nâng cao.
Tham luận 4: Dấn thân và đồng cảm: Từ giảng đường đại học đến lớp học cộng đồng do TS. Đỗ Tuấn Long, Phó Trưởng Khoa Đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN trình bày. Liên hệ với dự án cộng đồng Đề án Ba Vì mà Nhà trường đang thực hiện, báo cáo đã mang lại góc nhìn thực tiễn hơn và gần gũi hơn về cách thức phục vụ cộng đồng được áp dụng như thế nào và tác động của nó tới đối tượng cần giúp đỡ ra sao. Qua đó, TS. Đỗ Tuấn Long nhấn mạnh rằng thực hiện công việc phục vụ cộng đồng không khó, yếu tố quan trọng chính là việc chúng ta đã thật sự dấn thân và đồng cảm hay chưa.
Sau đó, các đại biểu đã bước vào phiên trao đổi và thảo luận. Nhiều câu hỏi từ các thầy cô và nhà quản lý đã được đưa ra và giải đáp kịp thời. Buổi hội thảo khép lại với những phản hồi tích cực và hứa hẹn mang lại những thay đổi mới tốt hơn trong công tác phục vụ cộng đồng của các trường Đại học trên cả nước nói chung và Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
TT. QLCL HUFI