Các ngành như cơ khí, điện tử, tin học đều có nền tảng khoa học vững chắc và tạo ra các sản phẩm đặc trưng riêng. Tuy nhiên, yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cao hơn về cách hoạt động của máy móc, yêu cầu máy móc cần phải gọn nhẹ hơn, linh động hơn, uyển chuyển hơn và thông minh hơn. Các kỹ sư cơ khí không thể làm máy móc thông minh hơn, trong khi những kỹ sư tin học có thể tạo ra trí thông minh nhân tạo nhưng họ không biết về cơ khí, những kỹ sư điện tử có thể kết nối và điều khiển tín hiệu, nhưng họ không thể kết nối giữa trí thông minh nhân tạo để điều khiển thiết bị cơ khí. Chính yêu cầu này đã hình thành nên ngành Cơ điện tử để tạo ra sản phẩm mới đáp ứng các yêu cầu đặt ra trên cơ sở phối hợp nền tảng sẵn có của các ngành với nhau.
Ngành Kỹ thuật cơ điện tử (một số trường đại học có tên là Công nghệ Kỹ thuật cơ điện tử) là sự kết hợp của kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện tử và kỹ thuật máy tính; là một ngành công nghệ triển vọng của thế kỷ XXI, là một hướng ưu tiên cơ bản của phát triển ngành Cơ khí chế tạo - tự động hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong vai trò là một lĩnh vực công nghệ cao với sự kết hợp từ thành tựu khoa học của nhiều ngành công nghệ chủ chốt như cơ khí, công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật điều khiển, vật liệu mới…, cơ điện tử đang ngày một khẳng định vị trí với mục tiêu tạo ra những sản phẩm thông minh, ưu việt và có những tính năng vượt trội phục vụ con người. Dây chuyền tự động hóa, cơ khí chính xác, xe tự lái, robot… chính là một sản phẩm tiêu biểu của ngành Kỹ thuật cơ điện tử.
Nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ tự động hóa – robot hóa đã trở thành xu hướng trong mọi lĩnh vực sản xuất công nghiệp hiện nay, nơi mà robot đang dần thay thế lao động phổ thông nhằm tăng năng suất, cải tiến chất lượng sản phẩm…
Đặc biệt, công nghệ xử lý trong các thiết bị thông minh như smartphone, smart-home, smart-city… cũng được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Các công ty điện tử như Samsung, LG Electronics, Sony, … đã tự động hóa các dây chuyền sản xuất linh kiện, máy móc.
Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực may mặc cũng vận hành các cánh tay robot cắt, phân loại, đóng gói, gấp quần áo nhằm cắt giảm nhân lực làm việc tại nhà kho của công ty.
Theo điều tra và báo cáo của Thạc sỹ Đinh Nhật Anh (Bộ Tài chính) đăng trên tạp chí Công thương ngày 04/02/2020 về nhu cầu sử dụng sản phẩm Cơ điện tử ở Việt Nam đối với một số ngành hàng cụ thể như sau:
- Đối với ngành Cơ khí chế tạo: Theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), từ nay đến năm 2030, tổng nhu cầu về máy móc, thiết bị trong nước có giá trị lên tới khoảng 350 tỷ USD, trong đó, ngành Công nghiệp Chế tạo thiết bị đồng bộ là 8 đến 10 tỷ USD/năm; ngành Công nghiệp Sản xuất ô tô là 18 tỷ USD/năm; ngành Công nghiệp Chế tạo máy nông nghiệp, máy canh tác, máy chế biến sau thu hoạch là 3 tỷ USD/năm; ngành Công nghiệp Khai thác và chế biến khoáng sản là 3 tỷ USD/năm; ngành Đường sắt là 30 tỷ USD; hệ thống tàu điện ngầm là 20 tỷ USD và ngành Công nghiệp chế tạo thiết bị công nghiệp tiêu chuẩn là 2 tỷ USD/năm. Trong khi đó, cũng theo báo cáo của VAMI, ngành Cơ khí hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 32% so với nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Với tiềm năng thị trường lớn của ngành Cơ khí chế tạo như trên, nhu cầu các sản phẩm cơ điện tử cho ngành này cũng sẽ rất lớn.
Robot hàn ABB được ứng dụng phổ biến trong hàn kim loại (Nguồn internet)
- Đối với ngành Điện: Theo Quy hoạch điện VII, từ năm 2012 đến năm 2030, nước ta sẽ có khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than công suất 1.200 MW được xây dựng với giá trị thiết bị và xây lắp khoảng 64 tỷ USD. Đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 96.500 MW. Nếu ngành Cơ khí chế tạo trong nước được chấp nhận triển khai thiết kế, chế tạo và cung cấp các thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện than, các nhà máy điện gió, điện mặt trời cũng như lưới điện thông minh thì dung lượng thị trường các sản phẩm cơ điện tử và hệ cơ điện tử phục vụ ngành Điện sẽ vô cùng lớn.
Điện mặt trời – Điện gió đang ngày càng phát triển mạnh (Nguồn internet)
- Đối với ngành Chế tạo thiết bị y tế: Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng vốn đầu tư thị trường thiết bị và vật tư y tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh. Tổng vốn đầu tư vào trang thiết bị y tế tại Việt Nam năm 2010 ước đạt 515 triệu USD, đến năm 2016 tổng vốn đầu tư là 950 triệu USD và đến năm 2017 con số này tăng lên 1,1 tỉ USD. Tính đến năm 2016, cả nước có khoảng 1.346 bệnh viện, trong đó bệnh viện công chiếm 86.3% (tương đương 1.161 bệnh viện). Trong số 1.161 bệnh viện công có 38 bệnh viện cấp Trung ương (trực thuộc Bộ Y tế), trên 900 bệnh viện cấp tỉnh thành (trực thuộc Sở Y tế), còn lại thuộc các Bộ ngành khác và các tập đoàn nhà nước. Số lượng phòng khám và trung tâm y tế công cấp tỉnh thành là hơn 2.600 cơ sở, cùng hàng chục ngàn trung tâm y tế cấp quận, huyện, xã khác. Có thể thấy đây là một thị trường đầy tiềm năng cho các thiết bị Cơ điện tử ứng dụng trong y tế.
Thiết bị mổ nội soi bằng robot (Nguồn internet)
- Đối với ngành Chế tạo robot: Càng ngày, nhu cầu sử dụng các robot trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp càng lớn. Theo thống kê của Liên đoàn Robot quốc tế (IFR - International Federation of Robotics), năm 2017, đã có 126 ngàn robot được cung cấp cho ngành Công nghiệp ô tô, tăng 22% so với năm 2016; có 121 ngàn robot cho ngành Công nghiệp điện - điện tử, tăng 33% so với năm 2016; có 45 ngàn robot cho ngành kim loại, tăng 55% so với năm 2016. Đáng ghi nhận là Việt Nam đứng vị trí thứ 7 trong các thị trường robot công nghiệp hàng đầu thế giới trong năm 2017, với số lượng robot được cung cấp cho các ngành công nghiệp là 8.300 robot, tăng 410% so với 2016.
Tự động hóa được áp dụng trong sản xuất và gia công kim loại (Nguồn internet)
- Đối với ngành Chế tạo ô tô, xe máy: Với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, tỷ lệ tự động hóa trong các nhà máy chế tạo ô tô, xe máy đã tăng lên rõ rệt. Số lượng robot được sử dụng trên các dây chuyền công nghệ là rất lớn (ví dụ như ở VINFAST sử dụng 1200 robot). Theo thống kê của Hiệp hội Robot quốc tế (IFR), trên thế giới robot được sử dụng trong ngành Chế tạo ô tô chiếm khoảng 33,2%. Với một thị trường đang nổi và một ngành Công nghiệp ô tô đang được Nhà nước Việt Nam chú trọng phát triển trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, dư địa thị trường các sản phẩm cơ điện tử cho ngành Chế tạo ô tô xe máy là rất lớn.
Hệ thống sản xuất tự động bằng cánh tay robot trong nhà máy sản xuất ô tô (Nguồn internet)
- Đối với Công nghiệp tiêu dùng: Với thị trường gần 100 triệu dân và gần 27 triệu hộ gia đình, nhu cầu sử dụng máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động, điều hòa kỹ thuật số, lò vi sóng, nồi cơm điện, máy giặt, tủ lạnh thông minh, ô tô có các hệ thống lái tự động, các hệ thống an toàn kiểu mới,... ngày càng cao đang đặt ra cho ngành Công nghiệp Cơ điện tử nhiệm vụ rất nặng nề.
Với nhu cầu thị trường của một số ngành hàng nêu trên, có thể thấy tiềm năng thị trường cho các sản phẩm cơ điện tử và hệ cơ điện tử ở Việt Nam và trên thế giới hiện tại và trong tương lai sẽ là rất lớn. Chỉ trong một vài năm tới ngành cơ điện tử sẽ rất cần một nguồn nhân lực lớn. Vì vậy ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử là ngành học của tương lai và hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm, mức lương cao./.
Minh Hùng
Xem thêm :