Nhằm đánh giá thực trạng cơ chế đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học về đào tạo du lịch trên cả nước, để có cơ sở đề xuất các giải pháp đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về du lịch, sáng ngày 30 tháng 10 năm 2020, tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì tổ chức Tọa đàm xin ý kiến đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học về du lịch. Tham dự tọa đàm có TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học và các đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học đào tạo du lịch đến từ 30 cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Nam.

Toàn cảnh Tọa đàm xin ý kiến đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học về du lịch.

Buổi Tọa đàm đã diễn ra với hai nội dung chính, tập trung vào việc đánh giá việc tổ chức triển khai cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch trình độ đại học giai đoạn 2017-2020 đối với các cơ sở giáo dục đại học theo hướng dẫn tại công văn số 4929/BGDĐT-GDĐH ngày 20/10/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời xin ý kiến dự thảo Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học về du lịch”.

Chủ trì buổi Tọa đàm, TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đã thông qua báo cáo đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học về du lịch, trao đổi với đại diện các trường về những thuận lợi, khó khăn và thảo luận ý kiến xoay quanh Dự thảo Đề án về du lịch.

TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học trình bày các nội dung của Tọa đàm xin ý kiến đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học về du lịch.

Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý giá của các lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các giảng viên đến từ các trường đại học đào tạo Du lịch.

PGS. TS Nguyễn Quyết Thắng - Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech) trao đổi về những khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch trình độ đại học giai đoạn hiện nay như công tác định hướng nghề nghiệp về du lịch chưa phổ biến, sự hạn chế về thông tin dự báo nhân lực ngành du lịch qua các năm. Đồng thời, PGS. TS Nguyễn Quyết Thắng cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của một số mục tiêu đặt ra trong đề án đến năm 2025, cụ thể như chỉ tiêu đạt tỉ lệ 50% nguồn nhân lực có trình đại học phục vụ ngành du lịch, 20% giảng viên cơ hữu giảng dạy đại học ngành du lịch có trình độ tiến sĩ, …

Đại diện Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Văn Thông - Trưởng khoa Du lịch cho rằng trong chỉ tiêu về hoạt động đào tạo ngành du lịch, dự kiến tỉ lệ 50% lý thuyết, 50 thực hành khó khả thi trong điều kiện hiện nay nên cần xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp. Ngoài ra, các trường cần thiết lập và tăng cường mối liên hệ giữa Nhà trường với doanh nghiệp và các cơ quan chức năng để đảm bảo chất lượng đào tạo cho ngành Du lịch.

Cùng quan điểm trên, TS. Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định các trường cần chủ động hơn trong quá trình đào tạo thông qua việc liên kết với các địa phương dựa trên thế mạnh của trường mình như nghiên cứu về các sản phẩm du lịch, văn hoá về du lịch, các giá trị về du lịch, sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch.

Những ý kiến đóng góp quý giá của các khách mời sẽ là cơ sở tham khảo quan trọng cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc hoạch định các chính sách nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo về du lịch trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời tạo tiền đề khởi đầu cho việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch giữa các trường trong tương lai./.

HUFICO