Như đã trao đổi ở bài viết trước (https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/87033/221/tiep-nhan-ket-qua-phan-bien-cua-bai-bao-khoa-hoc-va-cach-xu-ly/), quyết định của tổng biên tập tạp chí dựa trên kết quả của các phản biện với bản thảo bài báo của bạn có thể là: đồng ý không cần chỉnh sửa (accept without any changes), đồng ý với chỉnh sửa nhỏ (accept with minor revision), yêu cầu chỉnh sửa nhiều (major revisions required), viết lại bài và gửi lại (rewrite and resubmit), hoặc từ chối hoàn toàn (outright rejection) (Cowling, 2012; Millett, 2006; Williams, 2004). Ngoài trường hợp đồng ý không cần chỉnh sửa và từ chối hoàn toàn thì để có cơ hội được xuất bản, bạn cần chỉnh sửa bản thảo theo ý kiến của phản biện. Đây là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự kiên nhẫn.
Khi nhận được quyết định bản thảo cần chỉnh sửa (chỉnh sửa nhiều hoặc chỉnh sửa và gửi lại), có thể bạn sẽ có cảm giác thất vọng, đôi khi cả “oán giận” nữa; cảm thấy bản thảo của mình bị đánh giá không công bằng (Mun, 2018). Tuy nhiên, xét một cách tích cực thì đây cũng không phải kết quả quá tồi (vẫn tốt hơn bị từ chối hoàn toàn). Với với kết quả này thì bản thảo của bạn vẫn còn cơ hội sẽ được chấp nhận và xuất bản nếu bạn xử lý tốt khâu chỉnh sửa. Do đó, bạn cần bình tĩnh và để những cảm xúc tiêu cực (nếu có) qua đi rồi mới bắt tay vào chỉnh sửa bản thảo.
Thường các tạp chí cho bạn 2-3 tuần (hoặc ít nhất một tuần) để chỉnh sửa bản thảo. Vì thế, bạn nên “dẹp” bài báo sang một bên một vài ngày để tinh thần tĩnh lại (Provenzale, 2010). Sau đó bạn mới tập trung vào đọc ý kiến của các phản biện. Mục đích là để bạn hiểu rõ và đầy đủ các yêu cầu và góp ý của phản biện. Bạn cũng có thể nhờ đồng nghiệp hoặc những người có kinh nghiệm trong xuất bản khoa học (nếu cùng chuyên môn thì càng tốt) đọc và phân tích các ý kiến của phản biện cùng bạn.
Khi bạn đã hiểu rõ các yêu cầu của phản biện rồi bạn cần kẻ một bảng trong đó ghi chi tiết tất cả những ý kiến của phản biện. Bạn nên nhớ tất cả mọi ý kiến có nghĩa là ngoài các yêu cầu cần chỉnh sửa hoặc làm rõ, bạn cần đưa vào bảng những lời khen, lời nhận xét tích cực của phản biện. Trong bảng này bạn có thể có một cột ghi “mức độ cần chỉnh sửa” để phân loại các yêu cầu của phản biện. Với những lời khen hoặc nhận xét tích cực, bạn có thể ghi “Không yêu cầu chỉnh sửa. Cảm ơn”. Còn tùy theo nhận xét của phản biện mà bạn có thể phân loại các yêu cầu chỉnh sửa theo 3 mức: dễ, vừa phải, khó. Bạn lần lượt ghi hết các ý kiến của phản biện 1, rồi chuyển sang phản biện 2, phản biện 3 (nếu có).
Chẳng hạn, bảng có thể đơn giản như sau:
Căn cứ vào bảng trên, bạn sẽ chỉnh sửa bản thảo bài viết theo những yêu cầu được bạn đánh giá “dễ” trước, rồi chuyển sang “vừa phải” và cuối cùng là “khó”. Những phần bạn đã chỉnh sửa trong bản thảo nên được bôi các mầu để dễ nhận biết (mỗi phản biện đánh dấu bởi một mầu khác nhau). Ngoài ra, trong bảng bạn ghi lại số trang và dòng những chỗ đã chỉnh sửa. Bạn cần lưu ý tất cả các yêu cầu của phản biện đều phải được chỉnh sửa hoặc phản hồi một cách thấu đáo.
Có thể bạn thấy một số yêu cầu của phản biện không hợp lý, và do đó không chỉnh sửa. Điều này hoàn toàn được chấp nhận. Tuy nhiên bạn cần giải thích kỹ lưỡng trong thư phản hồi ý kiến của phản biện (tôi sẽ trao đổi về vấn đề này ở bài viết sau). Trên tất cả việc chỉnh sửa bản thảo hoặc giải thích các điểm cần làm rõ cho phản biện cần tuân thủ ba quy tắc vàng (three golden rules): trả lời một cách thấu đáo, trả lời một cách lịch sự, trả lời kèm theo minh chứng (Williams, 2004).
Tài liệu tham khảo
Cowling, W. R. (2012). The meaning of a review decision: The road to publication. Journal of Holistic Nursing, 30(4), 218–219. https://doi.org/10.1177/0898010112464943
Millett, D. (2006). Dealing with reviewers’ comments? Journal of Orthodontics, 33(2), 69–70. https://doi.org/10.1179/146531205225021438
Mun, G. H. (2018). How to deal with revisions? Archives of Plastic Surgery, 45(2), 99–101. https://doi.org/10.5999/aps.2017.01816
Provenzale, J. M. (2010). Revising a manuscript: Ten principles to guide success for publication. American Journal of Roentgenology, 195(6), 382–387. https://doi.org/10.2214/AJR.10.5553
Williams, H. C. (2004). How to reply to referees’ comments when submitting manuscripts for publication. Journal of the American Academy of Dermatology, 51(1), 79–83. https://doi.org/10.1016/j.jaad.2004.01.049
TS. Nguyễn Hữu Cương
(https://www.researchgate.net/profile/Cuong-Nguyen-36)
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.
Xem thêm :