Trong đó, nội dung chương trình HK1 gồm 27 câu (phần hàm số 12 câu, mũ, logarit 6 câu; hình không gian cổ điển, thể tích các khối chóp, lăng trụ, nón, cầu 9 câu). Nội dung chương trình HK2 gồm 20 câu (phần nguyên hàm, tích phân, ứng dụng 7 câu; số phức 5 câu; hình không gian Oxyz 8 câu). Nội dung chương trình lớp 10 – 11 gồm 3-4 câu (lớp 11: 1 câu cấp số cộng, 2 câu tổ hợp – xác suất; lớp 10: gần như không có câu hỏi riêng mà chỉ sử dụng những kiến thức kỹ năng cơ bản về tập hợp số, phương trình, bất phương trình, lượng giác, hình Oxyz…).
Có thể thấy đề thi Toán năm 2019 với mục tiêu dùng để xét tốt nghiệp THPT: 35 câu dành cho các học sinh trung bình khá. Dùng để phân loại xét tuyển vào đại học: 10 câu có cấp độ khó tăng dần dành cho các học sinh khá giỏi; 5 câu thật khó, dài, trải đều ở các nội dung: hình Oxyz, hàm số, pt mũ, tích phân, đồ thị… phải tốn nhiều thời gian để suy nghĩ và thực hiện cách giải – danh cho học sinh thực sự thông minh xuất sắc.
Trước hết, học thuộc công thức và phương pháp giải tất cả những dạng toán cơ bản trong chương trình 12. Các dạng toán 10 -11 cần ôn lại dấu tam thức bậc 2, đa thức; các dạng toán về tổ hợp, nhị thức Newton, xác suất (chú ý chỉ những dạng cơ bản); công thức cấp số nhân, cấp số cộng; công thức cơ bản về lượng giác.
Chuẩn bị tài liệu ôn thi, cần có một quyển sổ - tài liệu tóm tắt tất cả các công thức trong chương trình. Chú ý phải thật ngắn gọn và phải sử dụng thường xuyên có bổ sung ít nhất 3 tháng trước khi thi. Đề thi và đáp án của Bộ GD – ĐT: bao gồm các đề thi chính thức và minh họa 2017 – 2018 – 2019. Tập trung vào luyện tập giải những đề này để cảm thấy được trọng tâm và những tinh tế của đề thi, tránh mất thời gian vào những đề thi còn lạc hậu tràn lan trên mạng.
Với cách ra đề đã nêu trên, các em cần xác định rõ mục tiêu, khả năng của mình ở mức độ nào để chọn một phương án hợp lý nhất, giúp chúng ta có thể học tập thoải mái, hưng phấn trước một nội dung kiến thức khổng lồ của các dạng toán trắc nghiệm mà vẫn đạt hiệu quả cao nhất, dù ở đối tượng nào cũng cần chú ý:
👉 Bám sát kiến thức cơ bản trong chương trình, những dạng đề cơ bản (đề Bộ GD-ĐT). Nếu chỉ tập trung những nội dung này và có căn bản thì các em sẽ thất học thật nhẹ nhàng mà vẫn có thể đạt được từ 5 tới 7 điểm.
👉 Những câu để đạt từ 7 tới 8 điểm thường cũng ngắn, đòi hỏi phải có khả năng, kỹ năng tư duy nhất định, nhưng hay gặp các dạng quen thuộc xuất hiện trong đề thi. Do đó các em cố gắng luyện tập làm nhiều ở những câu này thì cũng giải quyết nhanh gọn được.
👉 Những câu để đạt từ 8 – 9 điểm, cần phải mấy thời gian tham khảo, nghiên cứu phân loại và luyện tập theo từng chuyên đề để có đủ kinh nghiệm chọn hướng đi ngắn nhất cho kịp thời gian hoàn thành bài toán.
👉 Ở năm câu cuối điểm đạt điểm 10, hầu như 90% không đủ giờ để làm, thậm chí một số bạn giỏi cũng không đọc được tới đề. Mỗi năm các câu khó đều khác nhau, chỉ dành cho những học sinh thật sự xuất sắc, nên cân nhắc không đào sâu vào những câu này tránh mất thời gian và mất tự tin trước khi thi.
👉 Tuyệt đối không lạm dụng máy tính, để bỏ quên những cách làm, suy luận cơ bản làm nền tảng cho những câu đạt điểm 8,8. Lưu ý với cách ra đề của bộ hiện nay gần như không có cơ hội cho những bạn chuyên thủ thuật máy tính hoặc chuyên công thức hóa làm mất thời gian và mệt não vì phải cần ghi nhớ nhiều. Chỉ cần ghi nhớ một số công thức ngắn gọn thường gặp trong các câu cơ bản.
Trong 30 đến 45 phút đầu, tập trung làm chính xác 30 – 35 câu để lấy trọn 6-7 điểm (thậm chí những bạn sức học trung bình khá cứ bình tĩnh làm thêm 30 phút nữa cho chắc điểm). Không mất thời gian đọc lướt hết đề, vì đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó.
Thời gian còn lại 45 đến 60 phút tùy theo khả năng và đề thi cố gắng làm thêm chính xác khoảng 5-8 câu là tốt rồi. Nếu vẫn còn dư thời gian mới làm tiếp những câu còn lại. Chú ý, một câu hỏi trắn nghiệm dù khó đến đâu cũng phải có cách giải ngắn trong vòng 5-10 phút, đây cũng là một định hướng để các em chọn hướng đi thông minh, những mẹo để giải những câu khó – thường được rút kinh nghiệm cho những học sinh chịu khó luyện tập học cách giải nhiều câu vận dụng cao.
Những sai sót cơ bản thường gặp trong khi làm bài trắc nghiệm: trong quá trình học chắc hẳn các em được thầy cô luyện cho nhiều phương pháp làm bài trắc nghiệm như làm xuôi, làm ngược từ đáp án, sử dụng phương pháp loại trừ…Tuy nhiên cần tránh những sai sót cơ bản như sau:
👉 Không tô hết đáp án.
👉 Lúc làm chọn đúng đáp án A trên giấy, nhưng khi tô lại tô sang đáp án B.
👉 Đề bài bảo đi tìm số nghiệm của phương trình, ta giải được nghiệm duy nhât là 3, thay vì chọn đáp án đúng là 1, ta lại hấp tấp chọn đáp án 3.
👉 Đề bài cho hình chóp S.ABC. Các em lại hấp tấp đi tính thể tích hình chóp S.ABCD (trường hợp này có lớp sai trên 70%).
👉 Sa đà vào một câu với cách làm quá dài mất từ 20-30 phút, nên không còn thời gian để làm những câu dễ hơn. Trường hợp này đã xảy ra ở một học sinh giỏi toán nhất nhì lớp chỉ đạt 6,4 điểm, trong khi các bạn khác yếu hơn ở các lớp ban xã hội vẫn đạt được 7,2 (kỳ thi 2018).
👉 Không chú ý đọc kỹ đề bài như cho m nguyên dương nên không giải được.
Tóm lại, nhiều sai sót mà các em cần khắc phục sẽ xuất hiện trong quá trình luyện tập để rút kinh nghiệm. Tôi có lời khuyên các em trong vòng 10 ngày cuối trước khi thi, mỗi ngày chỉ cần giải 1-2 đề (chọn các đề thi thử từ trường đại học ở các sở giáo dục, các trường đại học từ tháng 4-2019 trở đi), giải nhanhtrong vòng 45-60 phút/đề, chỉ giải khoảng 40 câu biết làm, để dò ra những sai sót còn tồn đọng, những câu khó còn lại chỉ đọc qua đáp án để học cách giải hoặc bỏ qua, tránh làm mất thời gian vì muốn làm trọn vẹn 1 đề nhiều khi mấy cả mấy ngày mà không thu được kết quả gì. Trừ những ban giỏi cảm thấy hoàn thiện dễ dàng 8 điểm thì mới tập trung học cách giải những câu khó trong những đề thi – chuyên đề riêng.
Chương trình Liên kết quốc tế năm 2020
Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 | Môn toán
Theo NGUYỄN TÁC TUẤN NGỌC (tổ trưởng tổ Toán trường THPT Phú Nhuận, Tp.HCM)