Trong những bài viết trước chúng ta đã bàn luận nhiều về tạp chí khoa học và tạp chí khoa học có uy tín. Vậy “thế nào là một tạp chí khoa học?” Đây có thể là một câu hỏi không khó với những nhà khoa học có kinh nghiệm trong công bố bài báo khoa học. Còn với những nhà nghiên cứu trẻ, liệu các bạn có gặp khó khăn để nhận biết một tạp chí khoa học? Trong bài viết tuần này, chúng ta sẽ cùng trao đổi về khái niệm “tạp chí khoa học”.

Một tạp chí khoa học (scientific journal) hay thường gọi là tạp chí học thuật (scholarly/academic journal) hoặc tạp chí có bình duyệt (peer reviewed journal) là tạp chí xuất bản định kỳ (periodical) có các bài báo được viết bởi các chuyên gia trong một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Các bài báo trong tạp chí khoa học thường phức tạp và có cấu trúc chặt chẽ hơn nhiều so với các bài báo trong các tạp chí thông thường (general magazine). Độc giả của các tạp chí khoa học thường cũng là các chuyên gia, các học giả hoặc sinh viên trong lĩnh vực liên quan [1].

Còn theo Belcher [2] thì một tạp chí khoa học là một tạp chí xuất bản định kỳ xuất bản những bài báo nghiên cứu gốc (original research) trong các số báo (issue). Một tạp chí có thể xuất bản từ 01 cho đến 52 số trong một năm và mỗi số có thể có từ 04 đến 20 bài báo. Ngoài việc đăng các bài báo nghiên cứu thì trong mỗi số báo cũng đăng các bài bình luận, bài điểm sách, thư phản hồi độc giả.  Một tạp chí xuất bản các bài báo nghiên cứu về một hoặc nhiều chuyên ngành hoặc lĩnh vực.   

Các tạp chí khoa học đều thực hiện quy trình bình duyệt (peer review), một cơ chế kiểm soát chất lượng bài báo khoa học, trong đó có từ 01 đến 04 nhà khoa học là chuyên gia trong lĩnh vực thực hiện đánh giá bài báo. Những người bình duyệt này (còn được gọi là người phản biện) xác định những bất cập, hạn chế và sai sót trong các bài báo và đưa ra các khuyến nghị để tác giả chỉnh sửa, cải thiện bài báo. Những người bình duyệt có vai trò hỗ trợ tổng biên tập tạp chí đưa ra quyết định về giá trị của bản thảo bài báo.

Một tạp chí khoa học thường có các thành viên và các ban sau: tổng biên tập (editor), thư ký tòa soạn (managing director), ban biên tập (editorial board) và ban cố vấn (advisory board). Tổng biên tập tạp chí chịu trách nhiệm định hướng và đảm bảo các quy trình trí tuệ của tạp chí. Thư ký tòa soạn quản lý hậu cần xuất bản tạp chí. Các thành viên ban biên tập đồng ý bình duyệt một số lượng nhất định các bài báo mỗi năm. Ban cố vấn là những người có uy tín trong ngành đồng ý để tên tuổi uy tín của họ gắn với tạp chí nhưng không thực hiện công việc gì cho tạp chí.

Những tổng biên tập giỏi cố gắng đảm bảo tạp chí có thời gian xem xét ngắn (khoảng thời gian từ khi tác giả gửi bản thảo bài báo đến khi tạp chí quyết định chấp nhận hoặc từ chối) và tồn đọng ít (thời gian từ khi ban biên tập quyết định chấp nhận bài báo và ngày xuất bản thực tế, đôi khi được gọi là trễ xuất bản, vì nó phụ thuộc vào số lượng bài báo mà tạp chí đã chấp nhận xuất bản và nằm trong danh sách chờ).

Hiện tại việc tồn đọng xuất bản bài báo cơ bản đã không còn vì nhiều tạp chí đã thực hiện xuất bản trực tuyến trước (online first). Đây là cách mà một bài báo được xuất bản trước khi được in ấn sau khi đã hoàn thành khâu đọc rà soát (proofread), khâu đọc để kiểm tra cuối cùng. Thông thường mỗi bài báo sẽ được gắn một mã định danh vĩnh viễn DOI (Digital Object Identifiers) [3]. Những bài báo xuất bản trực tuyến trước này sẽ được sắp xếp để đưa vào các số phù hợp của tạp chí.

Tài liệu tham khảo

[1] VVC Libaray (n.d). What is a scholarly journal? https://library.vvc.edu/welcome/journals

[2] Belcher, W. L. (2019). Writing your article in 12 weeks: a guide to academic publishing success (2nd ed.). Chicago: Chicago University Press.

[3] SAGE Journal (n.d). OnlineFirsthttps://journals.sagepub.com/page/help/online-first

Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, https://www.linkedin.com/in/cuong-huu-nguyen-9a3581149/

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.